Quản lý việc dạy thêm, học thêm: Tăng cường giám sát từ nhân dân

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa giới thiệu dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) nhằm hướng đến khắc phục những hiện tượng tiêu cực, ép học sinh học thêm chứ không cấm những nhu cầu thực tế, chính đáng.

Một tiết học của học sinh Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Một tiết học của học sinh Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Bộ GDĐT nhận định việc quản lý hoạt động DTHT ngoài nhà trường ở nhiều địa phương hiện còn gặp khó khăn, lúng túng.

Năm học 2023 - 2024, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều quyết định thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục trong đó có kiểm tra hoạt động DTHT được lồng ghép trong các cuộc kiểm tra của Bộ GDĐT đối với một số Sở GDĐT. Các địa phương cũng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động này.

Tuy nhiên, nhìn chung việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chưa có tính hệ thống; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động DTHT chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, số lượng cán bộ, công chức làm công tác thanh tra của một số Sở GDĐT chưa đảm bảo biên chế theo quy định. Đơn cử, Sở GDĐT Đà Nẵng và Gia Lai chỉ có 2 người làm công tác thanh tra; 5 Sở có 3 người và 20 Sở có 4 người. Thiếu nhân lực trong khi khối lượng công việc nhiều, chưa kể điều kiện bảo đảm, chế độ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và đội ngũ tham gia làm công tác thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu là những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), mặc dù gần chục năm nay, việc cấp phép cho hoạt động dạy thêm đã không còn hiệu lực nhưng trên thực tế, các lớp học thêm vẫn tồn tại, thậm chí phát triển rầm rộ, đặc biệt là ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Nhiều học sinh không chỉ học thêm 1 môn mà học thêm nhiều môn, thậm chí 1 môn học nhưng học thêm nhiều giáo viên.

“Cần thiết phải có quy định mới, phù hợp để quản lý hoạt động DTHT trong điều kiện trăm hoa đua nở như hiện nay. Vì cấm cũng không được nên cần có yêu cầu cụ thể để tránh tiêu cực xảy ra. Chẳng hạn, yêu cầu giáo viên phải đạt chất lượng giảng dạy trên lớp như thế nào mới được dạy thêm ngoài trường, cam kết không ép buộc học sinh học thêm và chịu phạt nếu không tuân thủ” - TS Hoàng Ngọc Vinh nhận định.

Đối với ý kiến cho rằng nên tăng lương cho giáo viên để họ đủ sống và dạy học, không cần phải bươn chải tìm cách tăng thu nhập mới đảm bảo cuộc sống, ông Vinh cho rằng đó chỉ là một góc nhìn. Hiện nay lương giáo viên đã phần nào được cải thiện so với trước đây và so với nhiều ngành nghề khác. Như vậy, việc cần làm là phải tạo cơ chế quản lý minh bạch, hợp lý để kiểm soát, hạn chế tiêu cực.

Hoan nghênh việc ngành giáo dục đã có những điều chỉnh liên quan đến vấn đề DTHT vốn gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua, ông Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng vì nhân lực ngành giáo dục và mỗi địa phương có hạn nên bên cạnh việc đề ra các quy định cụ thể, vẫn cần có sự tham gia giám sát của toàn dân để quy định thực sự đi vào thực tiễn, không phải chỉ đề ra nhưng không có lực lượng thanh, kiểm tra, không phát hiện và xử lý vi phạm.

Đặc biệt là việc DTHT ngoài nhà trường cần có cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý phù hợp để hạn chế tiêu cực.

Lâm An

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quan-ly-viec-day-them-hoc-them-tang-cuong-giam-sat-tu-nhan-dan-10288868.html