Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Bộ Tài chính sẽ cắt cử đại diện giám sát trực tiếp
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 246/QĐ-BTC về việc công bố Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 (triển khai thực hiện trong năm 2021)...
Bài liên quan
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Kiên quyết cắt vốn đối với các dự án đầu tư công “sai hẹn”
Bộ Tài chính: “Thắt lưng buộc bụng” chống dịch Covid-19, ngân sách tiết kiệm được 49.300 tỷ đồng
Bộ tài chính phân công cho Ngân hàng Nhà nước giám sát gián tiếp trong việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 (thực hiện năm 2021) tại Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, đối với Bộ Quốc phòng sẽ giám sát trực tiếp đối với 2 doanh nghiệp là Tổng công ty 15 và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 16 có nguồn bổ sung vốn điều lệ từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Đối với Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát gián tiếp trong việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trừ thanh toán trái phiếu đặc biệt.
Đối với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính không thực hiện giám sát do các cơ quan đại diện chủ sở hữu không phát sinh đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020.
Bên cạnh đó, với một số bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính không lập kế hoạch giám sát do không nhận được báo cáo, các cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện giám sát theo quy định.
Theo Quyết định đối tượng giám sát do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát đối với các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và có nguồn từ thanh toán trái phiếu đặc biệt.
Các trường hợp khác, Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm thực hiện giám sát và gửi báo cáo để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Đối với các trường hợp đến thời điểm ngày 19/02/2021 chưa gửi Bộ Tài chính Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 và Kế hoạch giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 (triển khai thực hiện trong năm 2021) thì Bộ Tài chính không có căn cứ lập và công bố kế hoạch giám sát.
Do đó, các Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm về việc không gửi báo cáo về Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện giám sát theo quy định.
Về nội dung giám sát được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 51 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Điều 6 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Và Điều 4 Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Về phương thức giám sát, đối với các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp). Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát trực tiếp.
Đối với các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (nguồn từ thanh toán trái phiếu đặc biệt) thì Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát gián tiếp.
Căn cứ Kế hoạch giám sát đề xuất gửi Bộ Tài chính, các Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp hoặc giám sát gián tiếp theo các nội dung, mẫu biểu quy định, hướng dẫn tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 51 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Điều 6 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 200/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trong khâu thực hiện, các Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát theo Kế hoạch giám sát đã đề xuất, hoàn thiện và gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 về Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2021 theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ, trong đó báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ và Điều 4 Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính.