Quán phở Hà Nội nghi ngút hơi, tráng tay loại bánh phở đỏ hiếm thấy
Quán phở của anh Tuấn Anh sử dụng bánh phở tráng tay màu đỏ nhạt, phớt hồng hiếm thấy ở Hà Nội. Công thức phở đỏ được anh kỳ công tìm hiểu, học hỏi từ bà con Hà Giang.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (41 tuổi, Hà Nội) vốn là một người đam mê du lịch, ẩm thực. Anh từng có nhiều chuyến phượt xe máy khám phá vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc. Từ đây, anh vô tình được biết và thưởng thức món phở đỏ của bà con ở Xín Mần (Hà Giang).
"Tôi vốn rất yêu thích những món ăn hay món đồ làm thủ công. Đó là lí do, ngay khi chứng kiến bà con tráng bánh phở bằng tay, sử dụng hoàn toàn nguyên liệu từ gạo, không có bất cứ chất phụ gia nào, tôi bị thu hút. Khi ăn, bánh phở dai, dẻo, thơm, rất đặc biệt. Tôi ngỏ ý xin được học nghề nhưng nhiều lần bị từ chối", anh Tuấn Anh kể.
Không từ bỏ giấc mơ mang phở đỏ về Hà Nội, anh nhiều lần tìm tới Hà Giang, rong ruổi tới các gia đình còn giữ nghề phở để xin học.
"Tôi không nhớ mình đã đến Hà Giang bao nhiêu chuyến. Đến mãi sau này, khi thấy tôi thực sự kiên trì, tâm huyết, bà con ở Quản Bạ mới chỉ dạy, truyền công thức làm phở đỏ", anh cho biết.
Thời gian gần đây, sau vài tháng mở cửa, quán phở của anh Tuấn Anh ở phố Nguyễn Trung Trực (Ba Đình, Hà Nội) được nhiều thực khách ấn tượng, chia sẻ trên mạng xã hội. Không ít người từ xa tìm tới vì tò mò về màu sắc độc đáo và cách bánh phở được tráng tay trực tiếp tại quán.
Anh Tuấn Anh cho biết, bánh phở đỏ được làm từ bột xay của 4 loại gạo, gồm 2 loại gạo trắng và 2 loại gạo đỏ của vùng núi Hà Giang. Gạo đỏ được bà con trồng ở vùng Xín Mần, còn có tên gọi khác là gạo huyết rồng.
Các loại gạo được ngâm riêng trong 6 tiếng, sau đó được xay với nước, trộn vào với nhau theo một tỷ lệ nhất định. "Cách pha chế bột này đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế và kinh nghiệm của người đầu bếp. Dù có công thức cố định thì chất lượng bánh phở vẫn thay đổi do các yếu tố môi trường tác động", chủ quán cho biết.
Anh Tuấn Anh đặt chiếc nồi hơi tráng bánh phở ngay trước cửa quán. Chiếc nồi bốc khói nghi ngút trở thành điểm nhấn ấn tượng. Phần bột được tráng trong nồi hơi gần 2 phút sẽ chín.
Sau khi tráng, bánh phở được khéo léo đem phơi rồi gấp lại, thái miếng vừa ăn. Bánh phở làm tới đâu bán tới đó để đảm bảo độ tươi ngon, mềm mướt.
"Tôi quyết tâm mang món bánh phở này về Hà Nội không chỉ bởi nó ngon mà còn sạch, an toàn với sức khỏe. Loại bánh này để lâu không bị nát và không gây đầy bụng khi ăn nhiều ngày liên tục", chủ quán cho biết.
"Nhiều vị khách khi tới quán thấy cách làm bánh phở quá kì công, mất thời gian thì lo tôi kinh doanh không có lãi. Tôi chỉ cười. Tôi đam mê và yêu thích nên dù vất vả vẫn cố gắng", anh nói thêm.
Bánh phở đỏ làm theo công thức bà con Hà Giang nhưng phần nước dùng phở vẫn được làm theo cách truyền thống của Hà Nội. Nồi nước dùng được anh Tuấn Anh ninh từ xương trong gần một ngày, gia giảm thêm quế, hồi, gừng, hành, sá sùng.
"Nước phở ở đây thoáng nhìn thì thấy hơi mỡ màng, ngậy khi thưởng thức lại ngọt thanh, hương thơm dễ chịu. Phần thịt bò tươi, đầy đặn. Bánh phở có vị thơm đặc biệt", một thực khách nhận xét.
Khác với bánh phở trắng, bánh phở đỏ cần nhúng trong nước dùng lâu hơn mới ngấm hương vị. Quán có đầy đủ các món phở về bò như: tái, gầu, nạm, áp chảo... Trung bình mỗi bát phở có giá 40.000 đồng.
Hiện tại, lượng khách của quán không quá đông nhưng ổn định. Không gian quán trang trí theo phong cách hoài cổ, sạch sẽ, thoáng mát. Quán mở bán buổi sáng từ 7h-14h, buổi chiều từ 18h-22h. Riêng ngày chủ nhật, quán chỉ bán buổi sáng.