Quan Sơn đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông
Để tiếp tục thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nền nếp, tập quán bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông, huyện Quan Sơn đã và đang đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm từng bước nâng cao nhận thức cho đồng bào trong thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ những tập tục lạc hậu.
Anh Thao Văn Lâu (ngoài cùng bên trái), Bí thư kiêm trưởng bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) cùng cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thăm hỏi bà con trong bản. Ảnh: Ngọc Huấn
Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trong đó, có 13 bản giáp biên, số còn lại đều là vùng sâu, vùng xa và thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 2181/QĐ-UBND ngày 25-6-2013 được đánh giá là cuộc “cách mạng” nhằm thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông. Các ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan thường trực thực hiện đề án là Ban Dân tộc và các địa phương đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các hủ tục như: bắn súng để thông báo có người chết không còn; người chết không còn để trong nhà dài ngày, được đưa vào quan tài và được chôn ở nghĩa địa tập trung; nhận thức của đồng bào đã có nhiều chuyển biến tích cực...
Để tiếp tục nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nền nếp, tập quán bền vững, ngày 19-3-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tiếp tục thực hiện ở 44 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn. Căn cứ Kế hoạch số 60 của tỉnh, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Bám sát kế hoạch của tỉnh, các địa phương có đồng bào Mông sinh sống đã và đang đề ra nhiều giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thành công đề án, từng bước nâng cao nhận thức cho đồng bào trong thực hiện nếp sống mới; tuyên truyền sâu rộng, xóa bỏ những tập tục lạc hậu.
Vừa qua, vào cuối tháng 5-2022, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Quan Sơn tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, năm 2022. Hội nghị có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và Huyện ủy, UBND huyện Quan Sơn, cán bộ UBND 2 xã Sơn Thủy, Na Mèo, đại diện ban quản lý bản, hộ dân tại 3 bản Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu. Các đại biểu dự hội nghị được nghe đồng chí Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát và đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai một số chuyên đề đồng thời các đại biểu cũng đã thảo luận, góp ý nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào trong thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ.
Con đường lên với bản Ché Lầu (xã Na Mèo) –một trong 3 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống của huyện Quan Sơn, đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Không chỉ con đường nối từ bản Son lên Ché Lầu đã được đổ bê tông mà đường nội bản Ché Lầu cũng vừa hoàn thành, giúp việc đi lại của bà con trong bản và xuống trung tâm xã, huyện cũng thuận lợi hơn nhiều.
Bí thư kiêm trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu dẫn chúng tôi đi thăm bà con trong bản, vừa đi anh vừa trò chuyện: “Đồng bào Mông di cư đến bản Ché Lầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay bản có 66 hộ, hơn 304 nhân khẩu, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Trước đây, theo tục lệ khi có người mất, bản vẫn khâm liệm, thực hiện cùng các nghi thức khác của đồng bào. Người mất để dài ngày trong nhà, những người con đã lập gia đình của người mất có trách nhiệm góp trâu hoặc bò để tổ chức ăn uống, báo hiếu với người mất. Ban quản lý bản, già làng, người có uy tín như cụ Thao Văn Sính A là người tiên phong trong công tác tuyên truyền bà con thực hiện nếp sống mới trong tang lễ ở mỗi cuộc họp bản”. Hiện nay, việc đưa người mất vào quan tài ở bản Ché Lầu đã trở thành việc làm tự giác, bà con trong bản đã hiểu và thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc tang lễ.
“Vừa qua bản có hộ gia đình ông Tháo Chá Pó có người mất và đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Khó khăn hiện nay là đường vào khu nghĩa địa của bản hơn một cây số đi lại vất vả, bà con mong muốn được mở rộng và làm đường để quá trình đi lại của bà con được thuận lợi hơn”, Bí thư kiêm trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu chia sẻ.
Ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc, UBND huyện Quan Sơn cho biết: Đồng bào dân tộc Mông huyện Quan Sơn sinh sống ở các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và bản Ché Lầu (xã Na Mèo). Trong đó, bản Mùa Xuân có 116 hộ, Xía Nọi có 36 hộ, Ché Lầu có 66 hộ. Từ đầu năm 2022 đến nay, các bản có 2 trường hợp người mất được thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. Những năm qua, nhiều hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc Mông dần được xóa bỏ, đặc biệt hủ tục lạc hậu trong tang ma. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể huyện Quan Sơn, các xã có đồng bào Mông sinh sống đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; từng bước nâng cao nhận thức cho đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, xóa bỏ hủ tục, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Việc đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền gắn với hương ước, quy ước của bản, đồng thời phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong xây dựng đời sống văn hóa xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhận thức của bà con Nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc Mông cũng đã dần nâng lên, việc đưa người mất vào quan tài đã được bà con đồng thuận cao.