Quan Sơn gìn giữ và phát huy trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số

Trang phục không chỉ là yếu tố để phân biệt các dân tộc mà còn là nét đẹp văn hóa, chứa đựng tinh hoa, sáng tạo nghệ thuật của mỗi dân tộc. Nhận thức được điều này, thời gian qua huyện Quan Sơn đã và đang chú trọng bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Quan Sơn trong trang phục truyền thống.

Tam Lư là xã biên giới của huyện Quan Sơn, nơi sinh sống của 3 dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Những năm qua, cùng với chỉ đạo Nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xã Tam Lư còn chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và trang phục nói riêng. Để thực hiện được điều này, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc mình; đồng thời khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, xã còn vận động các hộ dân duy trì nghề dệt thổ cẩm để tạo ra những bộ trang phục dân tộc và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ để đồng bào dân tộc mặc, quảng bá nét đẹp trang phục dân tộc mình...

Với việc quan tâm gìn giữ trang phục dân tộc nên vào các dịp lễ, tết hay các sự kiện chính trị của xã Tam Lư, các bà, các mẹ, chị em lại khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc để đi lễ hội, gặp gỡ giao lưu. Chị Vi Thị Âm, một trong những thợ may trang phục truyền thống của dân tộc Thái tại bản Hát cho biết: "Tôi cảm thấy rất tự hào khi mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Vì vậy, để gìn giữ và phát huy trang phục của dân tộc, thời gian qua tôi luôn quan tâm tới việc phát triển nghề dệt thổ cẩm và tự tay thiết kế những bộ trang phục dân tộc cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn xã. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường để quảng bá nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số".

Ông Lê Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Lư, cho biết: "Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 30 người biết dệt thổ cẩm, may trang phục của các dân tộc Thái, Mường. Đây sẽ là lực lượng quan trọng trong việc gìn giữ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, thời gian tới xã chỉ đạo hội phụ nữ phối hợp với những thợ dệt thổ cẩm trong xã truyền nghề cho hội viên, phụ nữ trong xã. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số đối với trang phục truyền thống của dân tộc mình".

Cùng với xã Tam Lư, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quan Sơn đã và đang tích cực chỉ đạo các bản, các khu phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có việc gìn giữ trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ làm tốt công tác này, hiện nay đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn vẫn gìn giữ được trang phục truyền thống của dân tộc mình, tạo nên điểm nhấn ấn tượng đối với mỗi người khi đến với vùng đất Quan Sơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết: "Huyện Quan Sơn có 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là chủ yếu. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc trong cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là vẻ đẹp trong trang phục truyền thống. Thời gian qua, huyện Quan Sơn đã khuyến khích các địa phương thành lập các đội văn hóa, văn nghệ, mà khi tham gia, các thành viên không chỉ được học hát, múa mà còn được hướng dẫn cách thêu, dệt và may trang phục truyền thống. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trong đó có phần thi trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đây là hoạt động góp phần tôn vinh trang phục truyền thống của dân tộc, giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ".

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện Quan Sơn đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn, giai đoạn 2024-2030. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Quan Sơn có 100% giáo viên, học sinh là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan mặc trang phục truyền thống 1 buổi/tuần; có 80% Nhân dân mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết. Tổ chức hội thi cấp huyện giới thiệu và trình diễn trang phục dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2026 - 2030, huyện Quan Sơn sẽ biên soạn, xuất bản cẩm nang về trang phục truyền thống các dân tộc Thái, Mường, Mông; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX dệt vải thổ cẩm và các phụ kiện liên quan đến trang phục; tổ chức các cuộc liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch và XDNTM.

Việc xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn là tiền đề quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Quan Sơn đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Bài và ảnh: Xuân Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-son-gin-giu-va-phat-huy-trang-phuc-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-218087.htm