Quân sự thế giới hôm nay (1-7): Căng thẳng hạt nhân lại gia tăng ở châu Âu

Quân sự thế giới hôm nay (1-7) có những thông tin đáng chú ý sau: Anh cân nhắc mua tên lửa Rampage của Israel để thay thế Storm Shadow; căng thẳng hạt nhân lại gia tăng ở châu Âu; kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali.

* Anh cân nhắc mua tên lửa Rampage của Israel để thay thế Storm Shadow

Ngày 1-7, The National đưa tin Anh đang cân nhắc mua tên lửa siêu thanh Rampage do Israel sản xuất để lấp đầy chỗ trống trong kho vũ khí sau khi viện trợ tên lửa Storm Shadow cho Ukarine.

Đoàn công tác Không quân Anh cùng các kỹ thuật viên Bộ Quốc phòng nước này đã tới Israel nghiên cứu thực tế đối với tên lửa Rampage và có thể mua để trang bị tên lửa này cho máy bay chiến đấu Typhoon.

Tên lửa Rampage (dưới cùng) trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough năm 2022. Ảnh: Getty Images

Tên lửa Rampage (dưới cùng) trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough năm 2022. Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia cho rằng Không quân hoàng gia Anh đang tìm kiếm một loại tên lửa uy lực giúp tăng cường “khả năng sát thương” và bổ sung vào kho dự trữ sau khi đã chuyển một số tên lửa hành trình Storm Shadow cho Ukraine.

Tên lửa Rampage có trọng lượng tổng thể 570kg, trong đó đầu đạn nặng 150kg, có thể đạt vận tốc tối đa 2.000km/h trong phạm vi tấn công hiệu quả 300km với hệ thống dẫn đường chính xác và các thiết bị chống nhiễu hiện đại. Hiện tên lửa Rampage được trang bị cho máy bay chiến đấu F-16. Với khả năng bổ nhào ở vận tốc siêu thanh và góc dốc, tác động vào mục tiêu với vận tốc 550 mét/giây, Rampage rất khó bị bắn hạ.

Với việc Không quân Anh tìm đến với tên lửa Rampage, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng lý do là vì Anh không đủ khả năng mua thêm tên lửa Storm Shadow hoặc không thể mua kịp để lấp đầy chỗ trống nên đã tìm kiếm các giải pháp thay thế rẻ hơn nhưng vẫn hiệu quả. Một quả tên lửa Storm Shadow có giá hơn 3 triệu USD trong khi giá một quả tên lửa Rampage chỉ là vài trăm nghìn USD.

* Căng thẳng hạt nhân gia tăng ở châu Âu

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định trước báo giới rằng Ba Lan muốn tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO trong bối cảnh xung đột vẫn kéo dài ở Ukraine và Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus. Hiện tại Ba Lan cũng đang đẩy mạnh mua sắm vũ khí thông thường.

Căn thẳng hạt nhân lại gia tăng ở châu Âu khi Ba Lan xin gia nhập chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO. Ảnh: visegradinsight.eu

Căn thẳng hạt nhân lại gia tăng ở châu Âu khi Ba Lan xin gia nhập chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO. Ảnh: visegradinsight.eu

Trên Polesat News, Thủ tướng Ba Lan cho biết: “Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các đối tác Mỹ và NATO, nhưng chúng tôi sẽ hành động nhanh chóng về vấn đề này”.

Đầu tháng 6 vừa qua, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được chuyển đến Belarus. Theo các tuyên bố trước đây giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Belarus Lukashenko, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên đất Belaurs sẽ bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và bom hạt nhân.

Chia sẻ hạt nhân là chương trình răn đe hạt nhân của NATO, cung cấp đầu đạn hạt nhân cho các quốc gia thành viên NATO không có vũ khí hạt nhân của riêng mình. Từ tháng 11-2009, chương trình này đã cho phép Mỹ đặt vũ khí hạt nhân của mình tại Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

* Liên hợp quốc kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali

Ngày 30-6 (giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu nhất trí chấm dứt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Mali theo yêu cầu của chính quyền quân sự nước này.

Sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali chính thức chấm dứt từ ngày 1-7-2023. Ảnh lưu trữ: AP

Sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali chính thức chấm dứt từ ngày 1-7-2023. Ảnh lưu trữ: AP

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Pháp soạn thảo đã được nhất trí thông qua và có hiệu lực ngay sau đó. Hơn 15.000 nhân viên gìn giữ hòa bình tại phái bộ Mali MINUSMA sẽ bắt đầu được rút về nước từ ngày 1-7. Quá trình rút quân sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Mali rơi vào xung đột trong hơn một thập kỷ qua và mối quan hệ giữa quốc gia châu Tây Phi này với các nước phương Tây gần đây trở nên ngày càng căng thẳng hơn, một phần do chính quyền quân sự Mali đã hợp tác với lính đánh thuê Wagner nhằm mục đích giải quyết xung đột.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-1-7-cang-thang-hat-nhan-lai-gia-tang-o-chau-au-732968