Quân sự thế giới hôm nay (12-6): Khủng bố trở lại ở khu vực Trung Đông và Nam Á
Quân sự thế giới hôm nay (12-6) có những thông tin đáng chú ý sau: Nhiều binh sĩ quân đội các nước thiệt mạng do khủng bố ở khu vực Trung Đông và Nam Á; NATO thiết lập cơ chế đối tác hỗ trợ phòng không mặt đất; Iran và Saudi Arabia sẽ tăng cường hợp tác quân sự.
* Nhiều hoạt động khủng bố và chống khủng bố đã diễn ra ở khu vực Trung Đông và Nam Á
Ngày 11-6, tại Kirkuk, 2 binh sĩ Iraq đã thiệt mạng và 3 binh sĩ khác bị thương trong một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào một trạm kiểm soát ở đây. Theo quân đội Iraq, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã thực hiện vụ tấn công này nhằm trả đũa cho các hoạt động trấn áp khủng bố của quân đội chính phủ thời gian qua khiến nhiều thủ lĩnh IS bị tiêu diệt.
Tờ Tin tức Ả Rập (The Arab News) đưa tin, ngày 11-6 đã xảy ra một vụ tấn công nhằm vào một trạm kiểm soát quân sự ở tỉnh Shabwa do các phần tử thánh chiến Al-Qaeda thực hiện. Vụ tấn công khiến 2 binh sĩ Yemen thiệt mạng. Theo một quan chức an ninh Yemen giấu tên, “2 tay súng Al-Qaeda cũng bị thương nhưng đã kịp trốn thoát”.
The National News ngày 11-6 đưa tin, 3 binh sĩ Pakistan đã tử vong trong một cuộc đọ súng với các phiến quân Taliban ở khu vực Khyber Pakhtunkhwa gần biên giới Afghanistan-Pakistan, nơi từ lâu đã trở thành thành trì của lực lượng phiến quân. Trong cuộc đọ súng, 3 tay súng Taliban cũng đã bị tiêu diệt. Phiến quân Taliban tại khu vực giáp biên giữa Afghanistan và Pakistan được cho là đang được hưởng lợi từ một lượng lớn vũ khí của Mỹ để lại sau khi chính quyền Afghanistan sụp đổ vào tháng 8-2021.
* NATO thiết lập cơ chế đối tác hỗ trợ phòng không mặt đất
Military Leak ngày 11-6 đưa tin Ủy ban Giám sát thuộc Cơ quan Mua sắm và hỗ trợ NATO (NSPA) đã phê chuẩn việc thành lập cơ chế đối tác hỗ trợ phòng không mặt đất theo dạng mô-đun (GBADSP), bao gồm 10 quốc gia thành viên NATO là Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hungary, Italy, Hà Lan, Na Uy, Slovenia, Tây Ban Nha, và Anh. Giai đoạn đầu của sáng kiến này sẽ kéo dài đến đầu năm 2028 và sẽ mở rộng sang các giai đoạn phát triển, sản xuất các hệ thống vũ khí phòng không và hỗ trợ tại chỗ sau này.
Giải pháp mô-đun cho Dự án nâng cao năng lực quan sát trên cao cho hệ thống phòng không mặt đất tầm trung, tầm ngắn và rất ngắn đem lại cho các quốc gia thành viên một khuôn khổ để phát triển tiềm năng và mua sắm các hệ thống phòng không và ứng phó với các mối đe dọa trên không ở tầm trung, tầm ngắn và rất ngắn. GBADSP cũng giúp tạo ra một khuôn khổ cần thiết để các nước mở rộng mua sắm các hệ thống phòng không mặt đất, bao gồm cả các hệ thống phòng thủ rocket, pháo phòng không, súng cối (C-RAM) và các hệ thống phòng không chống máy bay không người lái (C-UAS).
Bà Stacy Cummings, Tổng Giám đốc NSPA, nhận xét về quyết định thành lập cơ chế đối tác hỗ trợ phòng không mặt đất như sau: “Đây là một biện pháp phối hợp mua sắm và đảm bảo dịch vụ hậu cần có thể tối ưu hóa chi tiêu quốc phòng của các nước liên quan bằng cách tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ. Cách tiếp cận này giúp gia tăng hiệu quả cũng như tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của NATO”.
Cơ chế đối tác hỗ trợ là một cơ chế hợp tác đa quốc gia được thành lập theo sáng kiến của hai hoặc nhiều quốc gia thành viên NATO trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ chung. Trong khuôn khổ này, các quốc gia tham gia sẽ quản lý và hướng dẫn, trong khi NSPA tập trung phát triển các hệ thống vũ khí và quản lý một cách thống nhất những yêu cầu của các quốc gia liên quan. Việc hợp nhất các yêu cầu phát triển hệ thống vũ khí hoặc bảo đảm dịch vụ hậu cần mang lại hiệu quả kinh tế, giảm chi phí, đồng thời tạo khung pháp lý để hoạt động hỗ trợ chung được hiệu quả.
* Iran và Saudi Arabia sẽ tăng cường hợp tác quân sự
Ngày 11-6, tờ Izvestia của Nga đưa tin Tehran và Riyadh sẽ tăng cường hợp tác quân sự bất chấp các liên minh mà Mỹ đã tạo dựng nên trong khu vực.
Theo Izvestia, Tehran và Riyadh đã nhất trí thành lập một liên minh chung trong khu vực để đảm bảo an ninh hàng hải, dù trên thực tế hiện tại đang tồn tại một liên minh an ninh hàng hải do Mỹ khởi xướng ở khu vực Trung Đông.
Các nhà quan sát Nga nhận định: “Iran và Saudi Arabia đã nhận ra rằng họ cùng chung lợi ích. Do đó, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao đã được công bố, và sau đó sẽ sớm có thêm những thông tin bất ngờ về hợp tác quốc phòng trong trung hạn. Khi quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia căng thẳng, nước Nga với quan hệ tốt đẹp với cả hai bên cần phải tạo ra bầu không khí cân bằng. Khi hai bên tìm kiếm phương thức duy trì một môi trường cân bằng như vậy và thực hiện các bước đi trên thực tế như thành lập một liên minh hải quân thì Moscow sẽ được giải tỏa bớt trách nhiệm ngoại giao của trong tầm ảnh hưởng của mình”.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)