Quân sự thế giới hôm nay (13-4): Tây Ban Nha tiếp nhận máy bay tiếp nhiên liệu A330 MRTT
Quân sự thế giới hôm nay (13-4) gồm các nội dung sau: Tây Ban Nha tiếp nhận máy bay tiếp nhiên liệu A330 MRTT, Mỹ công bố cắt giảm 5,1 tỷ USD chi tiêu quốc phòng, Malaysia đặt ky tàu hộ vệ lớp Ada.
Tây Ban Nha tiếp nhận máy bay tiếp nhiên liệu A330 MRTT
Lực lượng Không quân và Vũ trụ Tây Ban Nha vừa tiếp nhận máy bay tiếp nhiên liệu và vận tải đa nhiệm Airbus A330 MRTT đầu tiên và biên chế cho Phi đội 45 tại Căn cứ Không quân Torrejón de Ardoz, gần thủ đô Madrid.

Máy bay tiếp nhiên liệu và vận tải đa nhiệm Airbus A330 MRTT. Nguồn: Airbus
Đây là chiếc đầu tiên trong hợp đồng hoán cải ba chiếc A330 MRTT mà Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha ký kết với hãng Airbus hồi tháng 11-2021. Hai chiếc còn lại đang trong quá trình chuyển đổi và dự kiến sẽ lần lượt đi vào hoạt động trong năm 2025 và 2026.
Năm 2020, Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha mua lại ba chiếc máy bay dân dụng A330-200 đã nghỉ khai thác của Hãng hàng không Iberia do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, và lựa chọn chúng để chuyển đổi thành phiên bản máy bay vận tải tiếp nhiên liệu đa năng. Chiếc đầu tiên được chuyển thẳng tới nhà máy của Airbus ở Getafe để hoán cải, trong khi hai chiếc còn lại tạm thời được sử dụng dưới dạng máy bay vận tải cho các nhiệm vụ quân sự, bao gồm sơ tán công dân Tây Ban Nha khỏi Niger, Sudan và tham gia cuộc tập trận Pacific Skies 2024. Đến tháng 1-2024, chiếc máy bay A330 MRTT đầu tiên hoàn tất chuyển đổi bắt đầu bay thử nghiệm.
A330 MRTT là biến thể quân sự của dòng máy bay dân dụng A330-200, được thiết kế cho nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không và vận tải. A330 MRTT có khả năng mang theo tới 111 tấn nhiên liệu nhờ tận dụng khoang chứa nguyên bản, không cần bổ sung thùng nhiên liệu phụ. Ngoài vai trò tiếp nhiên liệu, A330 MRTT có thể vận chuyển 300 hành khách hoặc tối đa 45 tấn hàng hóa. Với vai trò vận chuyển y tế, A330 MRTT có thể chuyên chở tới 130 chiếc cáng, 20 nhân viên y tế và 100 bệnh nhân.
Máy bay A330 MRTT có chiều dài là 58,8m, sải cánh 60,3m, chiều cao 17,4m, trọng lượng cất cánh tối đa 233.000kg, trần bay 12.600m, tầm bay không tải 16.100km, tầm bay với 40 tấn hàng 8.400km.
Mỹ công bố cắt giảm 5,1 tỷ USD chi tiêu quốc phòng
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cắt giảm 5,1 tỷ USD trong các khoản chi tiêu bị cho là “lãng phí”, bao gồm cả ngân sách dành cho các sáng kiến về khí hậu và đa dạng hóa năng lực, theo thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth công bố với báo giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: The Defense Post
Tổng thống Donald Trump đã cam kết cắt giảm chi tiêu của chính phủ, đồng thời giao cho tỷ phú Elon Musk, người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ (DOGE) thực hiện việc này. Theo Bộ trưởng Hegseth, DOGE sẽ có “quyền tiếp cận rộng rãi” để rà soát, loại bỏ các chương trình được triển khai dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
Tháng trước, ông Hegseth đã ra lệnh dừng khoản chi 580 triệu USD, bao gồm các khoản tài trợ liên quan đến biến đổi khí hậu, các chương trình đa dạng hóa năng lực, Bình đẳng và Hòa nhập (DEI), cùng một số hạng mục khác. Các khoản cắt giảm lần này cũng bao gồm những hợp đồng tư vấn từ các công ty tư nhân phục vụ Cơ quan Y tế Quốc phòng (DHA), cùng một hợp đồng dịch vụ điện toán đám mây cho hệ thống công nghệ thông tin của Lầu Năm Góc. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tạm dừng hơn 500 triệu USD tài trợ cho Đại học Northwestern và Đại học Cornell.
Dự toán ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm 2025 hiện ở mức khoảng 850 tỷ USD.
Theo tờ Washington Post, hồi tháng 2 vừa qua, ông Hegseth đã yêu cầu các cơ quan của Bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng kế hoạch cắt giảm khoảng 8% ngân sách quốc phòng mỗi năm trong những năm sắp tới. Nếu kế hoạch trên được thực hiện đầy đủ, ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ giảm hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Malaysia đặt ky tàu hộ vệ lớp Ada
Công ty quốc phòng STM của Thổ Nhĩ Kỳ vừa tổ chức lễ đặt ky cho các tàu hộ vệ săn ngầm lớp Ada (LMS) của Hải quân Hoàng gia Malaysia, trong khuôn khổ dự án được ký kết vào năm 2024.
Buổi lễ được tổ chức tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chế tạo 3 tàu chiến theo chương trình nâng cấp lực lượng hải quân mà chính phủ Malaysia lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2028.

Lễ đặt ky tàu hộ vệ săn ngầm lớp Ada (LMS) của Hải quân Hoàng gia Malaysia. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Malaysia
Theo đó, loạt tàu LMS mới có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến trên biển, bao gồm chống hạm, phòng không, tác chiến phi đối xứng và tác chiến điện tử khi được đưa vào hoạt động.
Trong suốt quá trình lắp ráp, công ty quốc phòng STM sẽ phối hợp với các đối tác trong nước để tích hợp các hệ thống vũ khí, cảm biến, điều khiển và điều hành hoạt động cho các tàu chiến này.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bülent Soydal, Phó tổng giám đốc công ty STM cho biết: “Lễ đặt ky cho ba tàu hộ vệ trong khuôn khổ dự án LMS Batch-II triển khai cho Hải quân Hoàng gia Malaysia hôm nay là minh chứng cụ thể cho tình hữu nghị bền chặt, và hợp tác sâu rộng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia. Những tàu hộ vệ này là dấu ấn lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu tàu chiến sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ giúp Hải quân Hoàng gia Malaysia thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ tác chiến và phòng thủ trên biển".
Theo thiết kế, mỗi tàu hộ vệ LMS sẽ có chiều dài 100m, đủ chỗ cho hơn 100 sĩ quan và thủy thủ, có khả năng mang theo trực thăng hạng trung và khả năng tiếp nhiên liệu ngay trên biển.
Tàu hộ vệ LMS sẽ được trang bị một pháo chính cỡ nòng 76 mm, một pháo phụ 30 mm, các tên lửa đa nhiệm và hệ thống phóng mồi bẫy.
Tàu sử dụng bốn động cơ diesel, có tầm hoạt động hơn 7.400 km, thời gian hoạt động trên biển liên tục trong 14 ngày và vận tốc tối đa hơn 48 km/giờ.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.