Lý do chọn Oman
Iran và Mỹ vừa mở các cuộc đàm phán mới về chương trình hạt nhân của Iran tại Muscat, thủ đô của Vương quốc Hồi giáo Oman, theo một hình thức chưa từng có kể từ các cuộc thảo luận giữa Tehran và chính phủ của Tổng thống Obama năm 2011.
Trước Muscat, các thủ đô khu vực khác như Doha, Abu Dhabi và Riyadh vẫn tỏ ý muốn đóng vai trò trung gian.

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra thiết bị làm giàu uranium tại nhà máy ở Isfahan, Iran. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Vào tháng 3, Abu Dhabi đã chuyển tiếp một lá thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Iran thông qua Anwar Gargash, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất Mohammed bin Zayed Al Nahyan. Doha đã tạo điều kiện để thả các con tin người Mỹ gốc Iran hồi năm 2023, trong khi Saudi Arabia hồi tháng 2 cũng tự ứng cử làm trung gian.
Theo báo Pháp Le Monde, nằm ở ngã tư giữa bán đảo Arab và Iran, kể từ năm 2011, Muscat đã khẳng định mình là một bên trung gian đặc quyền giữa Tehran và phương Tây, nhất là về vấn đề hạt nhân.
Trên mạng xã hội X, Ali Akbar Salehi, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran (2010-2013), nhớ lại cũng tại Oman, những cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên với chính phủ của ông Obama đã bắt đầu, như một bước mở đầu cho thỏa thuận Vienna về năng lượng hạt nhân của Iran được ký kết năm 2015.
“Chúng tôi luôn trở về từ Muscat với những kết quả cụ thể”, ông Salehi viết. Bí mật được giữ kín vào thời điểm đó đã củng cố thêm lòng tin của Tehran với Muscat.
Ba năm sau, khi ông Donald Trump đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2018 và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran, đây cũng là quốc gia đã tổ chức cái gọi là “các cuộc đàm phán gần” dưới thời Tổng thống Joe Biden nhưng không thành công. Lần đó, các phái viên Iran và Mỹ không ở cùng một phòng mà tại những địa điểm gần nhau, với các nhà trung gian Oman đi lại giữa họ.
Về mặt lịch sử, Oman, quốc gia theo đạo Ibadi, một nhánh thiểu số của đạo Hồi, cũng nỗ lực duy trì lập trường trung lập, tránh xa sự chia rẽ giữa người Sunni và người Shiite cũng như các cuộc xung đột lớn ở vùng Vịnh.
Bà Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, nhận định, trong khi Tehran tăng cường quan hệ với Abu Dhabi và duy trì quan hệ tốt với Doha, quốc gia cũng đóng vai trò trung gian quan trọng, thì trong bối cảnh cụ thể này, Oman dường như là lựa chọn phù hợp nhất.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ly-do-chon-oman-post790497.html