'Tiểu đoàn cảm tử' của Nga - Đơn vị quân đội toàn phụ nữ

Từng bị các binh sĩ nam thời đó xem thường, 'Tiểu đoàn cảm tử' - biệt danh của đội quân toàn nữ - đã chứng minh bản lĩnh phi thường khi chiến đấu dũng cảm hơn phần lớn đàn ông, trở thành biểu tượng kiên cường của phụ nữ Nga.

Tiểu đoàn cảm tử. Ảnh: Warfare History Network

Tiểu đoàn cảm tử. Ảnh: Warfare History Network

Theo trang Warfare History Network, vào mùa xuân năm 1917, nước Nga phải gánh chịu tổn thất nặng nề do Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Các báo cáo của Nga ước tính có hơn sáu triệu thương vong, bao gồm cả thương binh và liệt sĩ. Tổn thất đã làm cạn kiệt gần như hoàn toàn nhân lực trẻ của đất nước.

Kho bạc Đế quốc Nga về cơ bản đã phá sản. Sa hoàng Nicholas buộc phải thoái vị vào tháng 3, nhưng Chính phủ Lâm thời Cách mạng Nga mới thành lập vẫn tiếp tục cuộc chiến chống Đức. Tuy nhiên, khả năng khích lệ tinh thần quân đội còn rất hạn chế. Gánh nặng chính trong việc phục hồi quân đội được đặt vào Bộ trưởng Chiến tranh Alexander Kerensky, một nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa và một diễn giả tài ba. Với sự tham gia của ông Kerensky, vai trò của phụ nữ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã có một bước ngoặt lớn.

Vào đầu mùa hè năm 1917, ông Kerensky lên đường ra mặt trận để khích lệ tinh thần quân lính. Ông Kerensky nhớ lại trong hồi ký của mình: “Vì sự sống còn của quốc gia, cần phải khôi phục ý chí chiến đấu của quân đội”.

Số lượng phụ nữ Nga đứng trong hàng ngũ quân đội để nghe bài phát biểu của ông Kerensky rất đông, nhưng vào thời điểm đó, những đóng góp của phụ nữ trong chiến tranh thường không được coi trọng. Trong số những nữ chiến binh này có Maria “Yasha” Botchkareva. Là một nông dân ở Siberia, cô đã gia nhập Bộ binh Đế quốc Nga, bị thương hai lần trong chiến trận và nhận được ba huân chương vì lòng dũng cảm.

Sự ra đời của “Tiểu đoàn cảm tử”

Chân dung “Yasha” Botchkareva. Ảnh: gutenberg.org

Chân dung “Yasha” Botchkareva. Ảnh: gutenberg.org

Vào tháng 5/1917, Chủ tịch Quốc hội Nga Mikhail V. Rodzianko đã triệu tập Botchkareva đến St. Petersburg để nghe lời đề nghị của cô về việc tổ chức một tiểu đoàn phụ nữ cho cuộc tấn công mùa hè sắp tới. Botchkareva nói với các đại biểu quân nhân trong Quốc hội: “Ông hẳn đã biết những gì tôi đã trải qua và những đóng góp của tôi với tư cách một người lính. Vậy tổ chức 300 phụ nữ như tôi để làm gương cho quân đội và dẫn dắt đàn ông ra trận thì sao?”.

Khác với Quân đội Cách mạng mới được dân chủ hóa bởi sắc lệnh của ông Kerensky, tiểu đoàn của cô sẽ tôn trọng kỷ luật truyền thống của Quân đội Đế quốc cũ. Cô sẽ thực hiện quyền lực tuyệt đối và yêu cầu các tình nguyện viên tuân thủ tuyệt đối.

Vào ngày 15/5/1917, cùng với Tướng Brusilov, Botchkareva đã trình bày ý tưởng của mình với ông Kerensky tại Cung điện Mùa đông. Ông Kerensky nhanh chóng nhận ra tiềm năng của đề xuất này như một công cụ tuyên truyền. Botchkareva nhớ lại sau này: “Tôi đã được trao quyền ngay lúc đó để thành lập một đơn vị mang tên Tiểu đoàn cảm tử”.

Vào tối hôm sau, Botchkareva nói trước đám đông tập trung ở nhà hát Mariynski: “Mẹ của chúng ta đang mất dần! Mẹ chúng ta là nước Nga. Tôi muốn cứu mẹ. Tôi muốn những người phụ nữ có trái tim trong sáng, linh hồn thuần khiết. Với những người phụ nữ như vậy làm gương, cánh đàn ông sẽ nhận ra nhiệm vụ của mình trong giờ phút cấp bách này”.

Botchkareva tuyên bố rằng 1.500 phụ nữ trong khán phòng đã đăng ký tham gia. Số lượng này đã tăng lên hơn 2.000 người vào ngày hôm sau, sau bài phát biểu của cô tại Viện Phụ nữ Kolomensk. Botchkareva nói với các tân binh từ 18 đến 35 tuổi: “Mục đích của tiểu đoàn này là khôi phục kỷ luật trong quân đội”.

Hệ thống kỷ luật và huấn luyện nghiêm ngặt

Botchkareva (phải) cùng các cô gái của mình trong trận Smorgon năm 1917. Ảnh: Warfare History Network

Botchkareva (phải) cùng các cô gái của mình trong trận Smorgon năm 1917. Ảnh: Warfare History Network

Botchkareva, người có quan điểm cứng rắn, nói với phóng viên của Associated Press khi phóng viên thăm doanh trại của tiểu đoàn trên phố Torgvaya: “Chúng tôi áp dụng hệ thống kỷ luật nghiêm ngặt của quân đội trước cách mạng, từ chối nguyên tắc tự quản của binh sĩ mới. Chúng tôi thực hiện một chế độ khắc nghiệt từ ngay khi bắt đầu. Họ ngủ trên ván gỗ mà không có chăn màn, việc này ngay lập tức loại bỏ những người yếu đuối. Mọi vi phạm kỷ luật nhỏ nhất đều bị trừng phạt rất nặng”.

Vào ngày 7/7/1917, khi đợt huấn luyện cơ bản đã hoàn thành và tất cả tài sản cá nhân của binh sĩ bị tịch thu ngoại trừ đồ lót, Botchkareva đã dẫn các tân binh vào quảng trường Nhà thờ Kazan ở St. Petersburg. Tại đó, họ nhận phước lành từ một tổng giám mục của Giáo hội Nga.

Pankhurst, đại diện Liên minh Quốc tế vì Quyền bình đẳng của Phụ nữ; Đại sứ Mỹ David Francis; Đại sứ Anh Sir George Buchanan; các phóng viên Associated Press và The New York Times là những người chứng kiến sự kiện đầy tự hào này. Hàng ngàn khán giả vỗ tay cổ vũ dọc theo con đường diễu hành của tiểu đoàn đến nhà ga, nơi họ lên tàu đến mặt trận.

Tiểu đoàn của Botchkareva đã chiếm vị trí trong các chiến hào của Trung đoàn 525. Pháo binh đã dội bom vào các vị trí của Đức trong hai ngày để chuẩn bị cho cuộc tấn công của Nga trong trận Smorgon. Nhưng khi giờ khắc ra trận đến, các binh sĩ nam lại tranh cãi về việc có tuân lệnh chỉ huy hay không, cho đến khi 300 phụ nữ và 375 nam binh sĩ đứng lên từ chiến hào và bắt đầu cuộc tấn công. “Chúng tôi tiến lên dưới làn đạn pháo và súng máy dày đặc, những cô gái dũng cảm của tôi, được khích lệ bởi sự có mặt của các chàng trai bên cạnh”, người chỉ huy cuộc tấn công nhớ lại. Hành động của họ đã khích lệ thêm nhiều người tham gia.

Bẻ gãy phòng tuyến của quân Đức

Cuộc tấn công của Botchkareva đã phá vỡ tuyến phòng thủ đầu tiên và sau đó là tuyến phòng thủ thứ hai của quân Đức.

Nhưng có một vấn đề mà cô đề cập trong hồi ký của mình: “Nhưng có một thứ độc hại đang chờ chúng tôi trong chiến hào thứ hai đó”. “Độc hại” ở đây không phải là khí ga mù tạt mà là những kho rượu vodka và bia. Hàng trăm nam binh sĩ đã vứt súng xuống và bắt đầu ăn mừng chiến thắng. Botchkareva chạy dọc chiến hào, ra lệnh cho các nữ binh sĩ của mình phá hủy các kho rượu và kêu gọi các binh sĩ cùng tham gia cuộc tấn công vào tuyến phòng thủ thứ ba của quân Đức.

Botchkareva và các chiến binh sống sót đã dẫn dắt cuộc tấn công tiếp theo. Quân địch đã tháo chạy. Botchkareva cũng các binh sĩ đã tìm nơi trú ẩn trong một khu rừng và phái người do thám để đánh giá tình hình trong khi chờ đợi sự tiếp viện từ quân dự bị Quân đoàn 9. Nhưng những đội tiếp viện đó không bao giờ đến. Một thông điệp điện tín báo rằng các đội dự bị của Quân đoàn 9 vẫn đang tranh cãi xem có nên tuân theo lệnh của chỉ huy hay không.

Hàng loạt các cuộc pháo kích của quân địch nổ ra, báo hiệu một cuộc phản công của quân Đức. Mặc dù vậy, các binh sĩ của Quân đoàn 9 từ chối tiến lên từ chiến hào. “Tiểu đoàn cảm tử” không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc rút lui. Trong khi rút lui, Botchkareva nói rằng một quả đạn pháo của quân Đức đã khiến cô bất tỉnh. Cô nhớ lại mình thức dậy trong một bệnh viện dã chiến và nhận báo cáo về ít nhất 50 nữ binh sĩ đã chết hoặc bị thương trong trận Smorgon.

Khi có thông tin những người Bolshevik đã chiếm quyền ở St. Petersburg, các binh sĩ nam đã ăn mừng bằng cách bắt 20 nữ binh sĩ của Botchkareva và hành hình họ. Ông Kerensky, thủ tướng cuối cùng của Chính phủ Lâm thời, đã bỏ chạy vì tính mạng.

Botchkareva đã dẫn dắt những người sống sót từ một trạm chỉ huy này đến trạm chỉ huy khác, tránh né những người đe dọa sẽ xử tử cô. Cuối cùng, cô đồng ý giải tán tiểu đoàn để bảo vệ sự an toàn của họ và lên đường về ngôi làng của mình gần Tomsk, vượt qua một vùng đất mà nhà thơ Nga Zinaida Gippius miêu tả là đã nhuốm máu trong “Cuộc nội chiến không thương tiếc”.

Vào ngày 18/4/1918, Botchkareva đã lên tàu Sheridan, một tàu hành khách Mỹ. Sự hiện diện của cô trên tàu được xác nhận bởi Florence Farmborough, một người tị nạn khác. Người này đã viết trong nhật ký của mình: “Thật kỳ lạ khi người đầu tiên tôi thấy trên tàu là Yasha Botchkareva, người từng là lãnh đạo Tiểu đoàn cảm tử”.

Maria Botchkareva sau này bị bắt và xử bắn vào tháng 5/1920 khi mới 30 tuổi.

Hoàng Vũ

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/tieu-doan-cam-tu-cua-nga-don-vi-quan-doi-toan-phu-nu-20250413162526041.htm