Quân sự thế giới hôm nay (14-10): Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Israel
Quân sự thế giới hôm nay (14-10) có những nội dung sau: Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ có thể sẽ tham gia bảo vệ Israel. Pháo tự hành Huntsman của Australia xuất hiện ở Hàn Quốc; tên lửa đạn đạo Iskander-M đánh chìm lô vũ khí quan trọng tới Ukraine.
* Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ sẽ tham gia bảo vệ Israel?
Ngày 13-10, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ sẽ gửi khoảng 100 binh sĩ và một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến tới Israel “nhằm giúp tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Israel”. Theo Thiếu tướng Patrick Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Trung Đông. Năm 2019, hệ thống này đã được triển khai tới Israel để tập trận.
Thông tin trên các nền tảng mạng xã hội như Telegram cho biết, Israel đã sẵn sàng tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD vào hệ thống vũ khí của mình. Cuộc tập trận chung “Juniper Cobra” giữa Mỹ và Israel trong những năm gần đây được thiết kế để tăng khả năng tương tác giữa hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow của Israel và hệ thống THAAD của Mỹ. Điều này cho phép hai hệ thống “chia sẻ tải trọng” trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay tới. Các chuyên gia lập luận rằng trong trường hợp có một loạt tên lửa quy mô lớn nhằm vào Israel, hệ thống Arrow sẽ phối hợp với hệ thống THAAD theo thời gian thực để xác định hệ thống nào sẽ đánh chặn tên lửa nào.
Hệ thống THAAD là một trong những công nghệ phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới. Nó được thiết kế đặc biệt để đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối, ngay trước khi tên lửa đến sát mục tiêu. Vì vậy, THAAD là khí tài mạnh mẽ để bảo vệ các vị trí quan trọng, như căn cứ quân sự, khu vực dân sự, khỏi nhiều mối đe dọa tên lửa, bao gồm cả tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
THAAD sử dụng công nghệ radar tinh vi, bao gồm hệ thống radar AN/TPY-2, cho phép phát hiện tên lửa ở khoảng cách xa. Khả năng đánh chặn của nó mở rộng đến độ cao hơn 150km. THAAD không dựa vào đầu đạn nổ để vô hiệu hóa các mối đe dọa mà sử dụng động năng để phá hủy tên lửa đang bay tới. Bằng cách va chạm trực tiếp với tên lửa của đối phương, hệ thống có thể phá hủy tên lửa ngay giữa không trung mà không cần đến đạn nổ khiến THAAD đặc biệt hiệu quả đối với các tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa có đường bay phức tạp.
Việc tích hợp THAAD vào các hệ thống phòng thủ hiện có của Israel có thể là một bước ngoặt, mang lại mức độ bảo vệ cao và tính linh hoạt về mặt chiến lược của Israel.
* Pháo tự hành Huntsman của Australia lần đầu tiên xuất hiện ở Hàn Quốc
Đây là một trong số 30 pháo tự hành AS9 Huntsman và 15 xe tiếp đạn bọc thép (AS10) mà Bộ Quốc phòng Australia đã ký kết với Hanwha Defense Australia (HDA), chi nhánh tại Australia của tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), năm 2021 trị giá 1 tỷ AUS (tương đương 665 triệu USD). Việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm sau.
Hợp đồng mua sắm này của Bộ Quốc phòng Australia là nhằm tăng cường năng lực pháo binh cho Lục quân nước này.
Pháo tự hành AS9 Huntsman là phiên bản cải tiến của K9 Thunder của Hanwha Defense, hệ thống pháo 155mm cỡ nòng 52 hiện đang được một số quốc gia trong và ngoài NATO sử dụng và được công nhận trên toàn thế giới về độ tin cậy khi vận hành và khả năng thích ứng trong nhiều điều kiện môi trường chiến đấu.
Theo trang Defence của Australia, một tính năng ấn tượng của pháo tự hành AS9 Huntsman là tốc độ bắn liên tục từ 6-8 phát/phút cho đến khi hết đạn. Pháo được trang bị hệ thống nạp đạn bán tự động, giúp giảm khối lượng công việc của kíp chiến đấu và tăng tốc độ bắn.
Xe tiếp đạn AS10 Huntsman được phát triển trên nền tảng xe K10 Thunder, được thiết kế để giảm rủi ro cho binh lính bằng cách tự động hóa quá trình nạp đạn. Thiết kế bọc thép của xe đảm bảo binh sĩ vẫn an toàn trước hỏa lực của đối phương trong khi vẫn duy trì hỏa lực liên tục của pháo.
* Tên lửa đạn đạo Iskander-M đánh chìm lô vũ khí quan trọng tới Ukraine
Theo Bulgarian Military, tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga được cho là đã bắn trúng tàu chở hàng Shui Spirit treo cờ Panama khi tàu này đang vận chuyển thiết bị quân sự từ cảng Constanța, Romania đến Odessa, Ukraine. Thời gian qua, Constanța đã trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng cho các nguồn cung vũ khí của phương Tây đến Ukraine.
Cảnh quay bằng máy bay không người lái do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp ghi lại khoảnh khắc tên lửa tấn công tàu, gây ra một vụ nổ lớn nhấn chìm con tàu trong biển lửa. Moscow tuyên bố đó là vũ khí do châu Âu cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, chi tiết và nguồn gốc chính xác của lô hàng vẫn chưa được xác nhận. Phía Ukraine phủ nhận mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công nhưng Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine đã xác nhận một thương vong và báo cáo thiệt hại cho xe tải chở hàng và nhà kho ở Odessa.
Iskander-M là hệ thống tên lửa đạn đạo gồm 2 tên lửa, có thể triển khai trong vòng vài phút. Mỗi tên lửa có tầm bắn lên đến 500km, có thể mang theo nhiều loại đầu đạn, bao gồm đầu đạn nổ mạnh, đầu đạn phân mảnh, đầu đạn phá boong ke, thậm chí cả đầu đạn hạt nhân. Tên lửa được dẫn đường bằng cả hệ thống dẫn đường quán tính và vệ tinh.
Về mặt kỹ thuật, tên lửa Iskander-M có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 7.200km/giờ, khiến nó cực kỳ khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường. Động cơ nhiên liệu rắn cho phép thời gian phóng nhanh trong khi khả năng cơ động giữa hành trình bay và mồi bẫy giúp tăng khả năng né tránh của tên lửa trước các hệ thống phòng thủ tên lửa.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.