Quân sự thế giới hôm nay (16-4): Ukraine dùng Su-27 thả bom AASM-250 Hammer
Quân sự thế giới hôm nay (16-4-2024) có những thông tin sau: Ukraine sử dụng Su-27S thả bom AASM-250 Hammer, Lục quân Pakistan nhận xe chống tăng MAAZ sản xuất trong nước, Hải quân Philippines thử tên lửa tầm xa Spike.
* Ukraine sử dụng Su-27S thả bom AASM-250 Hammer
Theo Bulgarian Military, Ukraine đã xác nhận đoạn clip quay cảnh máy bay chiến đấu Su-27S của nước này thả bom dẫn đường AASM-250 do Pháp viện trợ. Trước đó, một số hình ảnh cũng cho thấy quân đội Ukraine đã bắt đầu sử dụng bom AASM-250 từ khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua.
AASM-250 Hammer là loại bom dẫn đường chính xác của Pháp do Safran Electronics & Defense phát triển. Bom AASM-250 Hammer được thiết kế để có thể được triển khai từ nhiều mẫu máy bay khác nhau và có thể tấn công cả mục tiêu tĩnh và mục tiêu di động với độ chính xác cao. AASM-250 Hammer là dạng vũ khí thiết kế theo mô-đun, cho phép nó có thể thay đổi cấu hình với nhiều loại mô-đun dẫn đường và đầu đạn khác nhau, phù hợp với từng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể. Cấu hình tiêu chuẩn của AASM-250 Hammer bao gồm một đầu đạn nặng 250kg, nhưng nó cũng có thể mang các loại đầu đạn nhỏ hơn hoặc lớn hơn tùy thuộc vào mục tiêu tấn công.
AASM-250 Hammer có chiều dài khoảng 3m, đường kính 0,2m, sải cánh 0,9m. Mặc dù có kích thước nhỏ gọn, bom AASM-250 Hammer lại có thể mang tải trọng đầu đạn đáng kể. AASM-250 Hammer sử dụng kết hợp hệ thống định vị quán tính INS và hệ thống định vị toàn cầu GPS để dẫn hướng trong hành trình bay và sử dụng tia hồng ngoại hoặc laser để dẫn đường ở giai đoạn cuối. Thiết lập điều hướng nâng cao này cho phép bom có độ chính xác cao.
* Lục quân Pakistan nhận xe chống tăng MAAZ sản xuất trong nước
Theo các nguồn tin trong nước, Lục quân Pakistan mới tiếp nhận xe chống tăng MAAZ, một mẫu xe quân sự sản xuất theo thiết kế của Pakistan.
Xe chống tăng MAAZ được trang bị nhiều khí tài tiên tiến có thể ngăn chặn các mối đe dọa từ các loại xe thiết giáp hạng nặng trong tác chiến. Đây là sản phẩm của nhà thầu quốc phòng Heavy Industries Taxila của Pakistan, kết hợp kỹ thuật và thiết kế mô phỏng theo xe bọc thép chở quân Talha - một phiên bản hoán cải nổi tiếng do Pakistan phát triển từ xe bọc thép chở quân M113 của Mỹ.
Với kích thước nhỏ gọn, xe chống tăng MAAZ là phương tiện chiến đấu cơ động và có khả năng thích ứng cao trong các tình huống chiến đấu. Xe có chiều dài khoảng 5,2m, chiều rộng 2,5m và chiều cao 2,7m, cho phép nó di chuyển linh hoạt qua nhiều địa hình trong bối cảnh tác chiến.
Sử dụng hệ thống bánh xích với động cơ diesel công suất 275 mã lực, MAAZ có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 70km/giờ trên đường nhựa và khoảng 30km/giờ trên địa hình không bằng phẳng. Xe có tầm hoạt động vượt trội khoảng 500km.
MAAZ cũng chiếm ưu thế về công nghệ với nhiều hệ thống khí tài tiên tiến nâng cao hiệu quả chiến đấu như hệ thống điều khiển hỏa lực tự động, giúp nâng cao độ chính xác trong việc lấy phần tử bắn và khai hỏa; kính nhìn đêm cho xe phép hoạt động được cả trong điều kiện ánh sáng yếu. MAAZ cũng có hệ thống thông tin liên lạc hiện đại giúp tăng cường hiệu quả hiệp đồng tác chiến với các đơn vị khác.
Vũ khí chính trên xe chống tăng MAAZ là 8 quả tên lửa chống tăng dẫn đường Baktar-Shikan, phiên bản nội địa hóa của dòng tên lửa chống tăng HJ-8 hay Red Arrow 8. Xe cũng được trang bị súng máy 12,7mm sử dụng trong trường hợp cận chiến và đối phó với bộ binh.
* Hải quân Philippines thử tên lửa tầm xa Spike
Hải quân Philippines vừa bắn thử tên lửa tầm xa Spike do Israel sản xuất từ chiến hạm chống tấn công nhanh mới mua. Theo The Defense Post, tên lửa đã tấn công chính xác một mục tiêu cách đó 20km. Cuộc thử nghiệm đã khẳng định khả năng tấn công chính xác của tên lửa này. Tên lửa Spike có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 30km, được trang bị cảm biến quang điện và hồng ngoại tiên tiến, có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm.
The Defense Post dẫn lời đại diện Hải quân Philippines cho biết: “Có độ chính xác và tính linh hoạt rất cao, vũ khí mới này cho thấy bước nhảy vọt trong công nghệ đạn dẫn đường chính xác”.
Cuộc thử nghiệm tên lửa Spike là một phần trong quá trình đưa vào vận hành chiến hạm chống tấn công nhanh, còn được gọi là pháo hạm lớp Acero của Philippines. Hai trong số những pháo hạm này đã được bàn giao cho Philippines vào cuối năm 2023, trong khi 7 chiếc còn lại đang trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Vụ bắn thử tên lửa thể hiện quyết tâm của Hải quân Philippines trong việc thực thi tốt hơn nhiệm vụ của mình là duy trì và bảo vệ chủ quyền và lợi ích của quốc gia trên biển. Hiện tên lửa Spike phiên bản tầm ngắn cũng đã được đưa vào sử dụng trên tàu tấn công đa năng của Philippines. Phiên bản này có tầm bắn chỉ 4km.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.