Quân sự thế giới hôm nay (2-1): Su-57 phóng thành công tên lửa Kh-69

Quân sự thế giới hôm nay (2-1) có những nội dung sau: Máy bay chiến đấu Su-57 bắn tên lửa Kh-69; xe chiến đấu bộ binh Lynx KF41 đầu tiên đến Italy; Thái Lan hoãn phê duyệt dự án tàu ngầm S26T.

* Máy bay chiến đấu Su-57 bắn tên lửa Kh-69

Mới đây, Không quân Nga đã “điều” máy bay chiến đấu Su-57 thực hiện một cuộc tập kích nhắm vào các khu vực Chernihiv, Sumy và Kiev.

 Máy bay chiến đấu Su-57. Ảnh: Asia Times

Máy bay chiến đấu Su-57. Ảnh: Asia Times

Theo các nguồn tin của Nga, cuộc tấn công này đã sử dụng tên lửa hành trình Kh-69, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và tên lửa đạn đạo Iskander-M nhằm phá vỡ mạng lưới phòng không dày đặc ở những khu vực này.

Đáng chú ý, máy bay chiến đấu Su-57 của Nga được cho là đã phóng tên lửa từ khu vực Kursk, tránh giao tranh trực tiếp với hệ thống phòng không ở khu vực bị tấn công. Nhiều nguồn tin cho rằng Su-57 đã hoạt động cùng với tiêm kích MiG-31 và máy bay ném bom Tu-95MS, nhấn mạnh cách tiếp cận đa nền tảng phức tạp đối với cuộc tập kích này.

Su-57 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của Nga. Không giống như các mẫu máy bay trước đó, Su-57 có thể tấn công các mục tiêu có giá trị ở tầm xa, sử dụng kết hợp tính năng tàng hình tiên tiến, khả năng cơ động vượt trội và hệ thống vũ khí tiên tiến.

Kh-69 là tên lửa không đối đất tầm xa, được thiết kế để tấn công chính xác vào các mục tiêu kiên cố. Với tầm bắn 290km và khả năng mang đầu đạn nổ mạnh hoặc phá boong ke, Kh-69 có thể phá hủy các trung tâm chỉ huy, căn cứ quân sự, cơ sở lưu trữ và trung tâm vận tải quan trọng. Được phóng từ Su-57, tên lửa này có thể bay xa trong khi vẫn tránh được sự phát hiện của radar, khiến chúng trở thành một “sát thủ thầm lặng” trong kho vũ khí của Nga. Kh-69 có khả năng bay ở cả độ cao thấp và cao, cho phép tên lửa cơ động xung quanh hoặc bên dưới các hệ thống radar của đối phương. Hệ thống dẫn đường của Kh-69, tích hợp dẫn đường vệ tinh GLONASS với dẫn đường quán tính, đảm bảo rằng ngay cả khi đối mặt với nhiễu điện tử, tên lửa vẫn bắn trúng mục tiêu với độ chính xác đáng kinh ngạc.

* Xe chiến đấu bộ binh Lynx KF41 đầu tiên đến Italy

Theo Bulgarian Military, một xe chiến đấu bộ binh (IFV) Lynx KF41 đã đến trung tâm thử nghiệm CEPOLISPE của Quân đội Italy tại Montelibretti, ngay bên ngoài Rome. Đây là lần đầu tiên dòng xe bọc thép hiện đại này được thử nghiệm trên đất Italy, đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn đánh giá quan trọng cho chương trình A2CS/AICS - chương trình nhằm hiện đại hóa lực lượng mặt đất của Italy.

 Xe chiến đấu bộ binh Lynx KF41. Ảnh: Wikipedia

Xe chiến đấu bộ binh Lynx KF41. Ảnh: Wikipedia

Được thiết kế bởi Rheinmetall của Đức, Lynx KF41 kết hợp công nghệ tiên tiến với thiết kế mô-đun linh hoạt, hỏa lực mạnh, cùng khả năng sống sót và tính cơ động cao. Phương tiện này có thể hoạt động như một xe chiến đấu bộ binh, xe chở quân bọc thép, sở chỉ huy di động hoặc thậm chí là nền tảng sơ tán. Hiện tại, Italy đang nhắm đến Lynx KF41 như “xương sống” của lực lượng cơ giới trong tương lai.

Lynx được trang bị động cơ diesel Liebherr, cho phép đạt tốc độ tối đa khoảng 70km/giờ trên đường trường trong khi vẫn duy trì hiệu suất vượt địa hình vượt trội. Xe có phạm vi hoạt động hiệu quả khoảng 500km mà không cần tiếp nhiên liệu thường xuyên. Cấu hình bánh xích cung cấp khả năng di chuyển đặc biệt trên nhiều địa hình khác nhau, từ môi trường đô thị đến chiến trường khắc nghiệt.

Trong cấu hình IFV tiêu chuẩn, Lynx KF41 được trang bị tháp chiến đấu điều khiển từ xa Lance 2.0, tích hợp pháo tự động 35mm có khả năng bắn nhiều loại đạn, bao gồm cả đạn nổ trên không. Bên cạnh đó, xe cũng có thể được trang bị thêm bệ phóng tên lửa chống tăng có điều khiển, như Spike LR2, để tấn công các mục tiêu bọc thép hạng nặng ở tầm xa.

Một trong những điểm nổi bật của Lynx KF41 là khả năng bảo vệ và sống sót cao. Hệ thống giáp mô-đun của xe cung cấp các cấp độ bảo vệ mở rộng, từ STANAG cấp độ 2 đến cấp độ 6, tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ, giúp bảo vệ xe và binh lính trước các loại đầu đạn động năng, mìn, thiết bị nổ tự chế (IED) và các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN).

* Thái Lan hoãn phê duyệt dự án tàu ngầm S26T

Theo thông tin do Pattaya Mail công bố, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai đã hoãn phê duyệt dự án mua sắm tàu ngầm đầy tham vọng của nước này do những vấn đề chưa được giải quyết xung quanh thông số kỹ thuật của động cơ.

 Mô hình tàu ngầm S26T của Trung Quốc. Ảnh: Army Recognition

Mô hình tàu ngầm S26T của Trung Quốc. Ảnh: Army Recognition

Ban đầu, dự án này dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2024. Tuy nhiên, sự chậm trễ này xuất phát từ sự phức tạp của việc chuyển sang động cơ do Trung Quốc sản xuất, một quyết định đã gây ra những lo ngại về an toàn và đòi hỏi phải phân tích kỹ lưỡng.

Thiết kế tàu ngầm ban đầu dựa trên thông số kỹ thuật động cơ của Đức, nhưng việc mua sắm trực tiếp các thành phần này đã gặp nhiều khó khăn. Các cuộc thảo luận đang được tiến hành với tùy viên quốc phòng của Đức để tìm hiểu khả năng cho phép Thái Lan mua trực tiếp động cơ của Đức và lắp đặt trong nước. Động thái này nhằm duy trì các tiêu chuẩn ban đầu của dự án trong khi vẫn tuân thủ các hạn chế quốc tế.

S26T là tàu ngầm diesel-điện lớp Yuan có chiều dài khoảng 77,7m, rộng 8,4m và có lượng giãn nước khi nổi và lặn lần lượt là 2.725 tấn và 3.600 tấn. Tàu ngầm có thể hoạt động ở độ sâu lên tới 300m. Cấu hình này cho phép S26T có thể lặn trong thời gian dài, có thể hoạt động dưới nước trong vòng 20 ngày và phạm vi hoạt động là 14.816km.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-2-1-su-57-phong-thanh-cong-ten-lua-kh-69-809706