Quân sự thế giới hôm nay (23-1): Nga sắp ra mắt UAV cảm tử mới?
Quân sự thế giới hôm nay (23-1) có những nội dung sau: Nga sắp ra mắt UAV cảm tử mới? Ấn Độ triển khai bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật Pralay; Hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế tàu khu trục Type 054B.
* Nga sắp ra mắt UAV cảm tử mới?
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế IDEX 2025, diễn ra từ ngày 17 đến 21-2 sắp tới tại Abu Dhabi, Tập đoàn Kalashnikov của Nga sẽ tiết lộ sáng kiến mới nhất về công nghệ đạn tuần kích có tên gọi KUB-2-E. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn Kalashnikov và Hiệp hội nghiên cứu và sản xuất hệ thống không người lái Izhevsk.
Loại đạn tuần kích này (hay còn gọi là máy bay không người lái (UAV) cảm tử) được thiết kế để tăng cường năng lực quân sự hiện đại, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong công nghệ phòng thủ không người lái của Nga.
KUB-2-E cỡ nhỏ được thiết kế để nhắm vào bộ binh đối phương, bao gồm cả binh lính cũng như xe quân sự không bọc thép. Do đó, hệ thống này phù hợp cho các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu nhỏ, dễ bị tổn thương hơn trên chiến trường. Trong khi đó, KUB-2-E cỡ trung mở rộng phạm vi bằng cách cho phép tấn công vào nhiều mục tiêu hơn, như binh lính, vị trí phóng của hệ thống máy bay không người lái, bãi đáp trực thăng, cũng như xe quân sự không bọc thép và bọc thép hạng nhẹ.
Cả hai phiên bản đều được trang bị hệ thống quang điện tiên tiến, cho phép người vận hành dẫn đường chính xác đến mục tiêu, ngay cả khi các mục tiêu đó thay đổi vị trí trong quá trình hoạt động. Với trọng lượng hơn 10kg, UAV cảm tử này có thể hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau, cả ngày lẫn đêm. Chúng cũng có thể hoạt động trong điều kiện gió lên tới 15m/giây, nhiệt độ từ -40°C đến 50°C và có khả năng chống lại các chiến thuật gây nhiễu thụ động và chủ động.
* Ấn Độ triển khai bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật Pralay
Trong Lễ diễu hành kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ vừa qua, Ấn Độ lần đầu giới thiệu bệ phóng đôi của hệ thống tên lửa đạn đạo Pralay.
Được phát triển bởi Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), Pralay là tên lửa đất đối đất tầm ngắn, có tầm bắn 150-500km. Cấu hình bệ phóng đôi cho phép phóng liên tiếp hai tên lửa. Bệ phóng được lắp trên xe Ashok Leyland 12x12, thay thế các bệ phóng Tatra có nguồn gốc từ CH Séc trước đó bằng thiết kế bản địa.
Không quân Ấn Độ đã đặt hàng 120 tên lửa Pralay vào tháng 12-2022, tiếp theo là đơn đặt hàng 250 tên lửa vào năm 2023, nhằm tăng cường năng lực của Ấn Độ. Tên lửa này sử dụng nhiên liệu hỗn hợp tương tự như tên lửa Sagarika, giúp tăng hiệu quả năng lượng so với các hệ thống trước đó. Là một tên lửa đất đối đất bắn đạn đạo chiến thuật, Pralay có thể so sánh với các tên lửa như 9K720 Iskander của Nga, Dongfeng 12 của Trung Quốc, tên lửa tấn công chính xác (PrSM) của Mỹ và Hyunmoo 2 của Hàn Quốc.
Pralay có khả năng mang tải trọng 350-700kg, sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn và được trang bị hệ thống dẫn đường cung cấp sai số vòng tròn đồng tâm (CEP) dưới 10m. Tên lửa tương thích với các đầu đạn nổ phân mảnh, xuyên phá kết hợp nổ (PCB) và đạn phủ đường băng (RDPS). Tên lửa có thể đạt tốc độ Mach 6,1 và có thể tấn công các mục tiêu như cơ sở radar, trung tâm chỉ huy và đường băng. Các chuyên gia Ấn Độ hiện đang nghiên cứu để cải thiện độ chính xác, nhắm mục tiêu với CEP dưới 4m.
* Hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế tàu khu trục Type 054B
Ngày 22-1, Hải quân Trung Quốc chính thức đưa vào biên chế tàu khu trục Type 054B đầu tiên có tên Luohe số hiệu 545.
Tàu khu trục mới là bước nhảy vọt so với thế hệ tiền nhiệm, tàu khu trục lớp Type 054A. Với lượng giãn nước xấp xỉ 5.000 tấn, Type 054B tích hợp nhiều công nghệ tiến bộ về khả năng tàng hình, vũ khí và tính linh hoạt trong hoạt động. Đáng chú ý trong số đó là việc áp dụng thiết kế cột buồm tích hợp, tương tự như thiết kế trên tàu khu trục Type 055 của Hải quân Trung Quốc, giúp cải thiện đáng kể khả năng giảm tín hiệu radar và tăng cường khả năng xử lý thông tin của tàu.
Việc tăng lượng giãn nước so với khinh hạm Type 054A cho phép Type 054B mang theo nhiều loại vũ khí và hệ thống hơn. Tính linh hoạt này cho phép tàu thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm phòng không, chống hạm, chống tàu ngầm và thậm chí là tấn công trên bộ. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng trọng tải tăng cho phép tích hợp các hệ thống tên lửa tiên tiến, giúp tăng cường sức mạnh chiến đấu tổng thể của tàu.
Ngoài ra, thân tàu lớn hơn có thể chứa các hệ thống đẩy hiện đại, bao gồm hệ thống đẩy lai hoặc điện, giảm tiếng ồn, giúp Type 054B hoạt động hiệu quả hơn trong tác chiến chống tàu ngầm, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động và hiệu quả của tàu.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.