Quân sự thế giới hôm nay (27-7): Australia lần đầu phóng tên lửa PrSM từ HIMARS
Quân sự thế giới hôm nay (27-7) có các nội dung sau: Thổ Nhĩ Kỳ ra mắt xe bọc thép Cobra II 4x4 cho Lục quân Romania; Mỹ 'bơm' 151 tỷ USD cho chương trình phòng thủ tên lửa Golden Dome; Australia lần đầu phóng tên lửa PrSM từ bệ phóng HIMARS.
* Thổ Nhĩ Kỳ ra mắt xe bọc thép Cobra II 4x4 cho Lục quân Romania
Tại triển lãm quốc phòng IDEF 2025 ở Istanbul, nhà sản xuất xe bọc thép Otokar của Thổ Nhĩ Kỳ đã ra mắt phiên bản đặc biệt xe bọc thép chiến thuật Cobra II 4x4 phát triển cho lực lượng vũ trang Romania.
So với phiên bản cũ, Cobra II có thân xe liền khối lớn hơn và chắc chắn hơn, không gian bên trong rộng hơn, khả năng chống đạn và mìn được cải thiện, hiệu suất vượt trội trên địa hình phức tạp.

Nhà sản xuất xe bọc thép Otokar của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên trưng bày phiên bản Cobra II được thiết kế riêng cho Lục quân Romania tại IDEF 2025. Ảnh: Army Recognition
Xe được trang bị động cơ diesel mô-men xoắn cao, kết hợp với hộp số tự động và hệ thống treo độc lập, đảm bảo khả năng cơ động cao. Với trọng lượng chiến đấu khoảng 13 tấn, xe có thể chở tối đa 9 người, bao gồm cả lái xe và chỉ huy. Đáng chú ý, xe có thể được điều chỉnh để đảm nhiệm các vai trò khác nhau như vận chuyển quân, xe chỉ huy, xe cứu thương, trinh sát và hỗ trợ nhiệm vụ.
Phiên bản Cobra II cho Lục quân Romania được trang bị một trạm vũ khí điều khiển từ xa, sử dụng súng máy 7,62mm. Hệ thống này cho phép pháo thủ vận hành và tấn công các mục tiêu từ bên trong thân xe bọc thép, tăng cường khả năng bảo vệ kíp lái và khả năng bắn chính xác trong các điều kiện chiến đấu khác nhau.
Theo hợp đồng trị giá khoảng 857 triệu euro, Otokar sẽ cung cấp 1.059 xe bọc thép Cobra II cho Romania. 278 chiếc đầu tiên sẽ được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, số xe còn lại sẽ được liên doanh SAROM lắp ráp tại Romania. Việc giao hàng dự kiến bắt đầu vào quý IV-2025 và sẽ hoàn tất trong vòng 5 năm.
* Mỹ “bơm” 151 tỷ USD cho chương trình phòng thủ tên lửa Golden Dome
Theo Financial Times, Mỹ đã công bố khởi động chương trình phòng thủ tên lửa Golden Dome trị giá 151 tỷ USD. Mục đích là tạo ra một mạng lưới phòng thủ đa tầng toàn diện để bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa tên lửa hiện đại, bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa siêu vượt âm có tầm bắn và khả năng tránh bị phát hiện và đánh chặn cao. 13 tỷ USD đã được phân bổ để phát triển nền tảng và tích hợp cơ sở hạ tầng.

Chương trình phòng thủ tên lửa Golden Dome của Mỹ trị giá 151 tỷ USD nhằm thiết lập hệ thống phòng thủ nội địa đa tầng chống lại các mối đe dọa tiên tiến, bao gồm tên lửa siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Ảnh: Army Recognition
Army Recognition cho biết, Golden Dome sẽ kết hợp các tên lửa đánh chặn trên bộ, cảm biến không gian liên tục, radar tiên tiến và cấu trúc chỉ huy và điều khiển do AI điều khiển. Tướng Không gian đã nghỉ hưu Michael Guetlein sẽ giám sát chương trình.
Không giống các hệ thống phòng thủ nội địa hiện tại của Mỹ như hệ thống phòng thủ mặt đất giai đoạn giữa (GMD), hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (Aegis BMD) và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), Golden Dome sẽ được thiết kế để phát hiện, theo dõi và tấn công các mối đe dọa trong giai đoạn tăng tốc, giữa hành trình và giai đoạn cuối của hành trình bay. Điều này phản ánh sự chuyển đổi về cấu trúc trong kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ từ các hệ thống phản ứng biệt lập sang một hệ sinh thái quốc phòng chủ động, được kết nối toàn diện.
* Australia lần đầu phóng tên lửa PrSM từ bệ phóng HIMARS
Bộ Quốc phòng Australia cho biết, Lục quân nước này vừa lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa PrSM từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS tại khu huấn luyện Mount Bundey, Bắc Australia, trong khuôn khổ cuộc tập trận đa quốc gia Talisman Sabre 2025.
Theo ABC News, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 300km trong vòng 4 phút 3 giây, đạt tốc độ khoảng 4.050km/giờ, nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

Bệ phóng tên lửa HIMARS của Lục quân Australia lần đầu tiên bắn tên lửa chiến thuật PrSM trong cuộc tập trận Talisman Sabre 2025 tại khu huấn luyện Mount Bundey. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia
PrSM là tên lửa chiến thuật mới của Mỹ, có tầm bắn hơn 400km (các biến thể tương lai sẽ vượt 500km, thậm chí đạt 1.000km với cảm biến tiên tiến và đầu đạn mới). Tên lửa tiêu diệt chính xác các mục tiêu giá trị cao như sở chỉ huy, hệ thống phòng không hợp nhất, trung tâm hậu cần. Đặc biệt, tên lửa PrSM có thể tích hợp ngay với các bệ phóng hiện có như HIMARS hoặc M270.
HIMARS là hệ thống pháo phản lực hạng nhẹ, cơ động cao, có thể phóng loạt 6 rocket có tầm bắn 70-90km hoặc 1 tên lửa PrSM tầm xa. Australia đã nhận 2 hệ thống HIMARS đầu tiên hồi tháng 3, sau gần 2 năm chính phủ phê duyệt gói mua sắm 1,6 tỷ USD. Tổng cộng 42 hệ thống HIMARS sẽ được biên chế cho Lữ đoàn Hỏa lực 10, lực lượng chuyên trách tấn công tầm xa và phòng không, đặt tại Adelaide.
Đáng chú ý, Australia không chỉ mua sắm mà còn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đạn HIMARS trong nước, hướng tới tự chủ một phần sản xuất tên lửa PrSM.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.