Quân sự thế giới hôm nay (29-6): Ba Lan chi 15 tỷ USD mua tên lửa Patriot
Ba Lan chi 15 tỷ USD mua tên lửa Patriot của Mỹ, Pháp thử thiết bị lượn siêu thanh V-Max, EU có kế hoạch tiếp tục duy trì trừng phạt Iran là những thông tin nổi bật trong Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (29-6).
* Ba Lan chi 15 tỷ USD mua tên lửa Patriot của Mỹ
Theo Bloomberg, ngày 28-6 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ trị giá 15 tỷ USD cung cấp hệ thống chỉ huy tác chiến phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp cùng các khí tài phụ trợ cho Ba Lan. Tuy nhiên, thông báo của Bộ Ngoại giao không cho biết thêm thông tin về hợp đồng cũng như hoạt động đàm phán liên quan.
Theo Lầu Năm Góc, thương vụ này giúp nâng cấp hệ thống phòng không Ba Lan với 48 bệ phóng Patriot M903 và 644 tên lửa đánh chặn Patriot PAC3, hệ thống liên kết mạng, 12 radar hiện đại, bộ cảm biến phòng thủ tên lửa và phòng không tầm thấp và các thiết bị liên quan kèm theo hỗ trợ kỹ thuật. Tập đoàn công nghệ Raytheon và Lockheed Martin là nhà thầu chính trong thương vụ này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết thông báo nêu trên đã được gửi sang Quốc hội và nếu không có gì thay đổi thì Ba Lan có thể ngay lập tức tiến hành quá trình đàm phán mua tên lửa Patriot với Raytheon và Lockheed Martin.
* Pháp thử thiết bị lượn siêu thanh có khả năng tránh né tên lửa phòng không
Theo The National, Pháp mới thử nghiệm thiết bị lượn V-Max mang đầu đạn có thể thay đổi hướng bay giữa hành trình theo hình zíc zắc để tránh hệ thống phòng không. Thiết bị này có thể đạt tốc độ Mach 5 (5 lần vận tốc âm thanh), tương đương khoảng 6.000km/giờ.
Không giống tên lửa đạn đạo có quỹ đạo cố định, thiết bị lượn siêu thanh V-Max có thể thay đổi hướng bay với tốc độ cao tại bất kỳ thời điểm nào, cho phép nó né tránh tên lửa phòng không nếu bị truy đuổi.
Trong tuyên bố của mình, cơ quan mua sắm quốc phòng Pháp cho biết cơ quan này đang phân tích dữ liệu thu được từ vụ bắn thử và thiết bị lượn siêu thanh V-Max có thể được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.
Khi chương trình V-Max bắt đầu được khởi động vào tháng 1-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp khi đó Florence Parly khẳng định nhiều quốc gia đang phát triển công nghệ thiết bị lượn siêu thanh, trong đó có Trung Quốc, Nga và Mỹ. Pháp có bí quyết phát triển công nghệ này và không thể nằm ngoài xu hướng đó.
Chương trình V-Max của Pháp đang được phát triển bởi ArianeGroup, một công ty quốc phòng chuyên thực hiện các vụ phóng thử tên lửa vào không gian và được biết đến với tên lửa nổi tiếng Ariane.
* EU lên kế hoạch duy trì lệnh trừng phạt đối với Iran
Reuters ngày 29-6 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo với phía Iran về kế hoạch tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt liên quan chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran. Lệnh trừng phạt hiện tại của EU sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.
Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ, Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lại việc các lệnh trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ giữa Iran với phương Tây đã xấu đi nhanh chóng, khiến Washington và các đồng minh phải tìm cách hạ nhiệt. Bước đi mới nhất này của EU có thể khiến căng thẳng tiếp tục gia tăng liên quan chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran.
Phương Tây thường xuyên cáo buộc Iran tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Iran phủ nhận điều này và khẳng định chỉ phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình, đảm bảo cho các hoạt động dân sự như công nghiệp, năng lượng, y tế...
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
QUÝ CHUNG (thực hiện)