Quân sự thế giới hôm nay (3-1): UAV trinh sát Supercam S350 của Nga có gì đặc biệt?

Quân sự thế giới hôm nay (3-1) có những nội dung sau: UAV trinh sát Supercam S350 của Nga có gì đặc biệt? Mỹ phát triển máy bay liên lạc thế hệ tiếp theo E-130J, Serbia đưa hệ thống tên lửa phòng không FK-3 vào hoạt động.

* Hải quân Mỹ trao hợp đồng phát triển máy bay liên lạc thế hệ tiếp theo E-130J

Hải quân Mỹ đã trao hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD cho Northrop Grumman Corporation nhằm phát triển và tích hợp các hệ thống cho E-130J, một máy bay liên lạc trên không thế hệ tiếp theo được thiết kế để thay thế nền tảng E-6B Mercury. Động thái này cho thấy bật cam kết của Hải quân Mỹ trong việc hiện đại hóa khả năng chỉ huy, kiểm soát và liên lạc hạt nhân trên không (NC3).

Theo thông tin ban đầu, E-130J sẽ được phát triển dựa trên khung máy bay C-130J-30 Super Hercules. Máy bay này sẽ đóng vai trò như một hệ thống liên lạc trên không có khả năng duy trì trong tình huống nguy hiểm, bảo đảm kết nối liên tục giữa lãnh đạo và các lực lượng hạt nhân trong các tình huống thông tin liên lạc trên mặt đất bị vô hiệu hóa. Theo hợp đồng, Tập đoàn Northrop Grumman sẽ tích hợp các hệ thống thực hiện nhiệm vụ tiên tiến như hệ thống thông tin liên lạc tần số cực thấp (VLF) do Collins Aerospace phát triển.

Bản vẽ mô phỏng máy bay E-130J trong tương lai của Hải quân Mỹ. Ảnh: Northrop Grumman Corporation

Bản vẽ mô phỏng máy bay E-130J trong tương lai của Hải quân Mỹ. Ảnh: Northrop Grumman Corporation

E-130J có chiều dài khoảng 30m và sải cánh 4m, được trang bị 4 động cơ Rolls-Royce AE 2100D3, mỗi động cơ cung cấp 34.600 mã lực. Với tốc độ tối đa 670km/giờ và trần bay phục vụ là 8.534m, E-130J phù hợp để đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong chỉ huy tác chiến. Nền tảng này cũng được tích hợp các hệ thống tiên tiến, bao gồm các công nghệ liên lạc bảo mật cao, nhằm bảo đảm khả năng sống sót và độ tin cậy trong các môi trường có nguy cơ cao.

Hiện tại, E-6B Mercury đang đảm nhiệm vai trò duy trì liên lạc với các lực lượng hạt nhân và là trung tâm điều khiển triển khai trên không cho tên lửa đạn đạo liên lục địa. Khi hoàn thành, E-130J sẽ tiếp quản nhiệm vụ này, cho phép E-6B tập trung vào các nhiệm vụ khác.

Sáng kiến hiện đại hóa này được đánh giá là phù hợp với những nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, bao gồm cả việc phát triển tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia, máy bay ném bom B-21 Raider và hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Sentinel.

* UAV trinh sát Supercam S350 của Nga có gì đặc biệt?

Army Recognition đưa tin, Nga mới đây đã triển khai Supercam S350, một loại máy bay không người lái (UAV) tiên tiến thu thập thông tin tình báo theo thời gian thực, nhằm khắc phục những hạn chế của các phương pháp trinh sát truyền thống. Sự xuất hiện của UAV này cũng làm nổi bật vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ trong chiến tranh hiện đại.

Supercam S350 được đánh giá cao bởi tính linh hoạt và dễ sử dụng. UAV này có thiết kế nhỏ gọn và hoạt động theo cơ chế phóng đàn hồi, giúp loại bỏ những hạn chế về đường băng hoặc cơ sở hạ tầng. Điều này cho phép triển khai nhanh chóng trong nhiều khu vực khác nhau, biến nó thành một công cụ linh hoạt và thích ứng trong điều kiện thay đổi nhanh chóng trên chiến trường.

Supercam S350 là một loại UAV tiên tiến được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát trên không theo thời gian thực. Ảnh: Supercam Unmanned Systems Group

Supercam S350 là một loại UAV tiên tiến được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát trên không theo thời gian thực. Ảnh: Supercam Unmanned Systems Group

Về mặt công nghệ, Supercam S350 được chế tạo để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi cao trong thu thập thông tin. Phương tiện này có thể hoạt động trong khoảng thời gian từ 210 đến 300 phút và đạt tốc độ lên đến 120 km/giờ. Phạm vi kênh vô tuyến của UAV trải dài từ 50 đến 100km, trong khi truyền video có hiệu quả lên đến 50km, cho phép giám sát phạm vi rộng. Hơn nữa, khả năng nhìn đêm và phục hồi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt bảo đảm cho Supercam S350 hoạt động suốt ngày đêm, bất kể những thách thức về môi trường. Khả năng hoạt động 24/7 này bảo đảm thu thập thông tin tình báo liên tục.

Supercam S350 cung cấp dữ liệu tức thời về chuyển động cũng như vị trí của đối phương và chuyển trực tiếp đến các trung tâm chỉ huy. Khả năng tình báo thời gian thực này đóng vai trò then chốt trong việc ra quyết định nhanh chóng, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả trong các hoạt động phối hợp.

* Serbia đưa hệ thống tên lửa phòng không FK-3 vào hoạt động

Lực lượng vũ trang Serbia đã đưa hệ thống tên lửa phòng không FK-3 do Trung Quốc sản xuất vào hoạt động, đánh dấu bước tiến quan trọng trong năng lực phòng không của quốc gia này. Được tích hợp vào hệ thống phòng thủ của Serbia, hệ thống tên lửa hiện đại này giúp tăng cường khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, khí tài quân sự và chủ quyền quốc gia khỏi hoạt động trinh sát, tấn công trên không và các mối đe dọa từ tên lửa.

Serbia chính thức mua hệ thống tên lửa FK-3 như một phần của thỏa thuận được ký kết vào năm 2019. Hợp đồng được hoàn tất vào tháng 12-2019, đánh dấu động thái chiến lược của quốc gia này trong hiện đại hóa các hệ thống phòng không và tăng cường năng lực quân sự của mình. Việc mua lại FK-3 là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm củng cố cơ sở hạ tầng quốc phòng của Serbia, đặc biệt là trong bối cảnh các thách thức an ninh khu vực ngày càng gia tăng.

Hệ thống tên lửa phòng không FK-3 được đưa vào hoạt động giúp nâng cao khả năng bảo vệ không phận của Serbia khỏi các mối đe dọa trên không. Ảnh: Bộ Quốc phòng Serbia

Hệ thống tên lửa phòng không FK-3 được đưa vào hoạt động giúp nâng cao khả năng bảo vệ không phận của Serbia khỏi các mối đe dọa trên không. Ảnh: Bộ Quốc phòng Serbia

Là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến, FK-3 bao gồm một số thành phần tích hợp được thiết kế để triển khai nhanh chóng và hiệu quả trong các môi trường nhiều thách thức. Cụ thể, trung tâm chỉ huy giúp cung cấp khả năng kiểm soát tập trung nhằm quản lý các hoạt động của hệ thống tên lửa; hệ thống radar được thiết kế để theo dõi mục tiêu và cung cấp cảnh báo sớm về các mối đe dọa đang đến; bệ phóng tên lửa chịu trách nhiệm đánh chặn các mối đe dọa trên không; và xe hậu cần bảo đảm khả năng cơ động nhanh chóng và hỗ trợ hệ thống trên thực địa.

Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của FK-3 là khả năng cơ động cao, cho phép nó phản ứng với nhiều mối đe dọa trên không. Bên cạnh đó, công nghệ tiên tiến của hệ thống cho phép tấn công các mục tiêu ở tầm xa và hoạt động trong các môi trường mà việc triển khai nhanh chóng và khả năng cơ động là rất quan trọng.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-3-1-uav-trinh-sat-supercam-s350-cua-nga-co-gi-dac-biet-809816