Quân sự thế giới hôm nay (3-5): Ukraine muốn nhận hệ thống Patriot từ Israel
Quân sự thế giới hôm nay (3-5-2024) có những thông tin sau: Ukraine muốn nhận Patriot từ Israel, Trung Quốc hạ thủy tàu ngầm Hangor đầu tiên cho Pakistan, Croatia nhận lô tiêm kích Rafale đầu tiên.
* Ukraine muốn nhận các hệ thống Patriot từ Israel
Newsweek đưa tin, quân đội Israel (IDF) thông báo sẽ loại biên dần các hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ, đồng thời chuyển sang sử dụng các hệ thống nội địa như Iron Dome, David’s Sling và Arrow.
Mặc dù IDF chưa tiết lộ số phận của những hệ thống Patriot này, song Ukraine đã “chớp thời cơ” trên và hy vọng đó là cơ hội để Kiev tiếp nhận và củng cố mạng lưới phòng không. Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Ukraine Oleksandr Merezhko đã ngỏ ý rằng sẽ rất hợp lý nếu Israel chuyển giao các hệ thống Patriot cho Kiev, vì chúng sẽ giúp bảo vệ các thành phố của nước này.
Ngược lại, nguyên nhân IDF bỏ Patriot vì cho rằng chúng hoạt động kém hiệu quả, đánh chặn được quá ít mục tiêu sau hàng chục năm trong biên chế.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thường xuyên nhắc lại việc Kiev cần thêm ít nhất 7 hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố cùng các cứ điểm ngoài tiền tuyến. Nếu muốn bảo vệ toàn bộ đất nước thì phải bổ sung 25 hệ thống phòng không.
Tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ước tính toàn thế giới có hơn 100 hệ thống Patriot có thể được chuyển giao cho nước này. Nhưng nhiều quốc gia vẫn ngần ngại từ bỏ một vũ khí đắt tiền và quan trọng về mặt chiến lược như vậy mặc dù họ ủng hộ Kiev.
Thời gian gần đây, Mỹ và Ukraine cũng tiến hành các cuộc thảo luận về khả năng hợp tác sản xuất Patriot, song mọi thông tin liên quan đều chưa được công bố. Trong khi đó, mới chỉ có một số nước phương Tây thông báo viện trợ số lượng hạn chế hệ thống Patriot hay đạn tên lửa cho hệ thống này, hoặc sẵn sàng mua Patriot từ nước thứ 3 rồi gửi cho Ukraine.
* Trung Quốc hạ thủy tàu ngầm Hangor đầu tiên cho Pakistan
Defense News cho biết, chiếc tàu ngầm lớp Hangor đầu tiên trong hợp đồng 8 chiếc mà Pakistan đặt mua từ Trung Quốc đã được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Wuchang ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo thỏa thuận mà Islamabad ký với Bắc Kinh vào năm 2015, 4 trong số 8 tàu ngầm lớp Hangor được chế tạo tại Trung Quốc, phần còn lại sẽ do Nhà máy đóng tàu và công trình kỹ thuật Karachi (KSEW) chế tạo tại Pakistan.
Thời gian giao hàng ban đầu dự kiến là 4 tàu ngầm do Trung Quốc chế tạo trước năm 2023. Tuy nhiên, do phía Đức từ chối phê duyệt giấy phép xuất khẩu động cơ diesel MTU396 mà tàu ngầm này được thiết kế để sử dụng, nên có thể đã ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao. Cả Đức và Pakistan đều chưa xác nhận liệu việc thông quan xuất khẩu đối với sản phẩm này đã được phê duyệt hay bị từ chối. Ngoài ra, phía Pakistan cũng không tiết lộ có chấp nhận đề xuất thay thế bằng động cơ CHD620 do Trung Quốc sản xuất cho tàu ngầm Hangor hay không. Tuy nhiên, Defense News dẫn lời Tư lệnh Hải quân Pakistan Naveed Ashraf cho biết “bày tỏ sự hài lòng về tiến độ dự án”.
Tàu ngầm lớp Hangor một phiên bản phái sinh của tàu lớp Yuan Type 039A của Trung Quốc, Đây là tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc trang bị công nghệ động cơ đẩy không phụ thuộc vào không khí từ bên ngoài (AIP). Tàu dài 77m, rộng 8,4m và lượng choán nước 3.600 tấn.
Hiện không có nhiều thông tin về các hệ thống phụ khác trên tàu ngầm lớp Hangor mới, do phía Hải quân Pakistan chưa cung cấp bất kỳ chi tiết nào. Tuy nhiên, tàu ngầm này dự kiến có khả năng sẽ triển khai vũ khí của Trung Quốc và vũ khí nội địa của Pakistan. Khi được đưa vào biên chế Hải quân Pakistan, chúng sẽ thay thế cho đội tàu ngầm Agosta 90B do Pháp chế tạo đã lỗi thời.
* Croatia nhận lô tiêm kích Rafale đầu tiên
Theo Military Leak, Không quân Croatia đã nhận 6 tiêm kích Rafale đầu tiên trong hợp đồng 12 chiếc từ Pháp với tổng trị giá 1,2 tỷ USD mà hai bên ký từ cuối năm 2021. Lô còn lại sẽ được bàn giao trong năm sau.
Phi đội tiêm kích Rafale sẽ thay thế các máy bay phản lực MiG-21BiS của Liên Xô hiện đang có trong trang bị của không quân Croatia.
Croatia trước đây dự kiến mua tiêm kích F-16 đã qua sử dụng từ Không quân Israel, được hưởng lợi từ nhiều nâng cấp của Israel và có chi phí hoạt động thấp hơn cũng như dễ bảo trì hơn so với máy bay của Pháp. Thỏa thuận không đạt được do sự phản đối của Mỹ, vì Washington muốn tìm cách tiếp thị F-16 của riêng mình.
Tiêm kích Rafale có chiều dài 15,27m, sải cánh 10,8m, cao 5,34m, có thể đạt tốc độ bay 2.250km/giờ, tầm hoạt động 1.800km, trần bay 18.000m. Máy bay thường mang theo vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ, gồm tên lửa không đối không (AIM-9, AIM-132, AIM-120, Magic II, MBDA Meteor), tên lửa không đối đất (MBDA Apache, SCALP EG, AASM, AM 39 Exocet), tên lửa chống radar, tên lửa không đối hạm, bom có điều khiển…
MINH ANH(tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.