Quân sự thế giới hôm nay (31-10): Australia tăng cường sản xuất đạn pháo và tên lửa tấn công tầm xa
Quân sự thế giới hôm nay có những nội dung sau: Australia tăng cường sản xuất đạn pháo và tên lửa tấn công tầm xa; Pháp theo đuổi thỏa thuận bán máy bay chiến đấu cho Bangladesh; LCU Nihonbare gia nhập Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản.
* Australia tăng cường sản xuất đạn pháo và tên lửa tấn công tầm xa
Trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng ở nhiều khu vực, chính phủ Australia đang tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng bằng cách sản xuất tên lửa và đạn pháo trong nước với quy mô lớn.
Ngày 30-10, Australia vừa công bố Kế hoạch vũ khí dẫn đường và vật liệu nổ (GWEO) năm 2024, phác thảo chiến lược của quốc gia này nhằm xây dựng năng lực phòng thủ tự lực.
Chính phủ Australia đã chọn Thales là nhà thầu được ưu tiên thành lập một cơ sở sản xuất đạn pháo M795 155mm trong nước. Đây là một loại đạn rất cần thiết cho các hệ thống pháo như pháo kéo M777A2 vốn được Australia, Mỹ và các đối tác quốc tế khác sử dụng rộng rãi.
Cơ sở này thuộc sở hữu của Chính phủ Australia, đặt tại thành phố Benalla, bang Victoria, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2028 và đặt mục tiêu sản xuất 15.000 quả đạn mỗi năm, với tiềm năng mở rộng công suất lên tới 100.000 viên đạn để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Đây sẽ là lò sản xuất chuyên dụng đầu tiên, ngoài Mỹ, chế tạo loại đạn này, nhấn mạnh cam kết của Canberra trong việc tăng cường năng lực sản xuất chiến lược.
Bằng cách mở rộng quy mô sản xuất đạn tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) và đầu tư vào sản xuất đạn pháo, Australia không chỉ tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu quốc phòng nội địa mà còn của các đối tác quốc tế. Theo kế hoạch, Australia sẽ hợp tác với tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ để thành lập cơ sở sản xuất nội địa tên lửa GMLRS, hệ thống vũ khí đất đối đất có thể triển khai nhanh, hướng tới mục tiêu xuất khẩu từ năm 2029.
* Pháp theo đuổi thỏa thuận bán máy bay chiến đấu cho Bangladesh
Theo báo cáo của Avionslegendaires, Pháp đang tích cực theo đuổi hợp đồng với Bangladesh để bán máy bay chiến đấu Rafale của Dassault Aviation.
Các cuộc đàm phán này là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa Không quân Bangladesh (BAF), tăng cường khả năng phòng không, sức mạnh tấn công trên biển và các tác chiến phản kích.
Theo báo giới Pháp, các cuộc đàm phán giữa Dhaka và Paris tập trung vào 2 lô máy bay phản lực Rafale riêng biệt. Lô đầu tiên bao gồm 4 máy bay Rafale F3-R (3 máy bay hai chỗ ngồi và 1 máy bay một chỗ ngồi) từ kho của Không quân Pháp, trong khi lô thứ hai bao gồm 8 máy bay một chỗ ngồi Rafale F4.
Rafale F4 cho thấy những bước tiến đáng kể về khả năng kết nối và hiệu suất chiến đấu. Máy bay được cải thiện tính năng nhận thức tình huống và ra quyết định trong môi trường có tranh chấp. Radar AESA RBE2 mang đến khả năng phát hiện và theo dõi nâng cao đối với các mục tiêu trên không cũng như mặt đất.
Tiêm kích này được trang bị tên lửa tầm xa Meteor, tên lửa hành trình Scalp và bom dẫn đường AASM. Ngoài ra, màn hình gắn trên mũ bảo hiểm Scorpion giúp nâng cao khả năng nhận thức tình huống cho phi công, trong khi hệ thống tự vệ SPECTRA bảo đảm khả năng hoạt động độc lập và phòng thủ trước các mối đe dọa.
* LCU Nihonbare gia nhập Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản
Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố vào ngày 30-10, Xưởng đóng tàu Setoda của Công ty đóng tàu Naikai đã tổ chức lễ hạ thủy tàu đổ bộ (LCU) mới có tên gọi Nihonbare.
Gần đây, Nhật Bản chi mạnh vào sản xuất các loại tàu đổ bộ đa dụng (LCU), cho thấy động thái chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về khả năng chuyển quân, khí tài và trang bị đến các đảo xa bờ. Chiến lược quốc phòng của Nhật Bản đã chuyển hướng không chỉ giải quyết vấn đề an ninh lãnh thổ như trước đây mà còn hướng tới các phản ứng nhanh trước những thách thức của thời đại mới, như huy động lực lượng một cách nhanh chóng và hỗ trợ nhân đạo.
Các tàu đổ bộ LCU dự kiến sẽ cải thiện khả năng tương tác với các lực lượng đồng minh, đặc biệt là Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chung ở những khu vực đòi hỏi khả năng đổ bộ. Ngoài vận tải quân sự, các tàu LCU mới này sẽ hỗ trợ Nhật Bản trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa. Vị trí địa lý của Nhật Bản khiến quốc gia này dễ gặp nhiều thiên tai. Do đó, khả năng viện trợ và triển khai nhân sự nhanh chóng đến các khu vực bị ảnh hưởng trên khắp các chuỗi đảo của nước này ngày càng trở nên cần thiết. Những hạn chế về sức chứa và phạm vi vận chuyển hàng hóa của đội tàu cũ cho thấy sự cần thiết phải có những lớp tàu mới hiện đại và đa năng hơn.
LCU là tàu đổ bộ được thiết kế để vận chuyển binh lính, phương tiện và thiết bị hạng nặng như xe tăng và xe tải trực tiếp từ tàu vào bờ, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động không có cảng truyền thống hoặc ở các khu vực tranh chấp. Với thiết kế đáy phẳng và có khoang hàng hóa rộng, LCU cho phép đổ bộ lực lượng và vận chuyển vật tư lên các khu vực bờ biển.
Mặc dù không phải là tàu có tốc độ nhanh nhất, nhưng phạm vi hoạt động ổn định và độ bền của tàu LCU cho phép chúng hoạt động liên tục trên biển. Ngoài các tình huống chiến đấu, LCU còn là phương tiện đa năng được sử dụng trong các nhiệm vụ cứu trợ thiên tai, đưa các đội cứu trợ khẩn cấp đến các khu vực có cơ sở hạ tầng hạn chế. LCU có thể được triển khai cùng với các tàu đổ bộ lớn hơn, chẳng hạn như tàu vận tải đổ bộ (LPD) và tàu trực thăng đổ bộ (LHD).
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.