Quân sự thế giới hôm nay (5-6): Nga triển khai pháo tự hành mới nhất đến Ukraine

Quân sự thế giới hôm nay (5-6-2024) có những nội dung sau: Nga đưa pháo tự hành mới nhất 2S43 Malva đến Ukraine, Kiev sẽ nhận thêm hệ thống phòng không SAMP/T từ Italy, Không quân Mỹ nhận thêm 'thùng xăng bay' KC-46 Pegasus.

* Nga đưa pháo tự hành mới nhất 2S43 Malva đến Ukraine

Army Recognition dẫn nguồn từ phía Ukraine vừa công khai bức ảnh chụp từ máy bay không người lái (UAV) về pháo tự hành 2S43 Malva của quân đội Nga ở hướng Kharkov.

Pháo tự hành 2S43 Malva lần đầu tiên xuất hiện trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt của quân đội Nga vào năm ngoái như một phần của quá trình thử nghiệm. Sau đó, hợp đồng cung cấp loại pháo tự hành này cho quân đội Nga được ký vào tháng 8-2023. Đây là một trong những pháo tự hành đầu tiên đặt trên khung gầm bánh lốp của lực lượng pháo binh Nga.

 Hình ảnh được cho là pháo tự hành 2S43 Malva của quân đội Nga ở hướng Kharkov. Ảnh: Army Recognition

Hình ảnh được cho là pháo tự hành 2S43 Malva của quân đội Nga ở hướng Kharkov. Ảnh: Army Recognition

Quân đội Nga chưa có bình luận hay đưa ra thông tin chính thức về việc này. Tuy nhiên, nếu hình ảnh của 2S43 Malva xuất hiện tại Kharkov được xác thực, đây sẽ là lần đầu tiên dòng pháo tự hành mới nhất trong kho vũ khí quân đội Nga được triển khai thực chiến.

Được phát triển bởi Viện nghiên cứu trung tâm Burevestnik, 2S43 Malva sử dụng đạn 152mm 2A64, với nhiệm vụ tiêu diệt nhiều mục tiêu - từ nhân lực và thiết bị bộ binh của đối phương ở tiền tuyến đến các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở hậu phương, ở khoảng cách lên đến 24km. Tổng cơ số đạn mang theo là 30 viên và tốc độ bắn là 7 phát/phút.

Việc lắp đặt pháo tự hành theo cấu trúc mở, không có giáp bổ sung hoặc tháp pháo giúp trọng lượng xe nhẹ hơn. 2S43 Malva có tổng trọng lượng khoảng 32 tấn. Sử dụng khung gầm BAZ-6010-027 cấu hình 8x8 bánh lốp, hệ thống lắp động cơ diesel 470 mã lực, cho phép di chuyển với tốc độ 80km/giờ. Hệ thống có tầm hoạt động đạt 1.000km trên đường bằng phẳng với chỉ một bình nhiên liệu và có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải Il-76. Nhiều khả năng trong tương lai, 2S43 Malva là phiên bản thay thế cho pháo tự hành 2A65 Msta-B và 2S1 Gvozdika cũng như các loại pháo kéo hiện có trong biên chế quân đội Nga.

Theo đánh giá của các nhà phân tích quân sự, 2S43 Malva có thể đáp ứng nhu cầu trong các cuộc xung đột quân sự lớn, do có hỏa lực mạnh, cùng khả năng cơ động và có thể triển khai nhanh chóng bằng máy bay vận tải quân sự.

* Kiev sẽ nhận thêm hệ thống phòng không SAMP/T từ Italy

Newsweek đưa tin, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết sẽ gửi hệ thống phòng không SAMP/T thứ hai cho Ukraine. Trước đó, Italy và Pháp đã cùng cung cấp hệ thống đầu tiên cho Kiev vào năm 2023.

Quyết định từ đất nước hình chiếc ủng được đưa ra trong bối cảnh Ukraine nhiều lần kêu gọi các đối tác tăng cường hỗ trợ các hệ thống phòng không trong những tháng gần đây để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Một hệ thống phòng không SAMP/T. Ảnh: Defense Express

Một hệ thống phòng không SAMP/T. Ảnh: Defense Express

Được đưa vào phục vụ trong Lục quân Italy năm 2013, SAMP/T hay còn gọi là MAMBA là hệ thống chống tên lửa chiến thuật do Italy và Pháp phối hợp phát triển, có nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu trên không như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật, máy bay có người lái và UAV.

Hệ thống này được trang bị tên lửa đánh chặn Aster, có tầm bao quát 360 độ, cùng khả năng theo dõi 100 mục tiêu trên không, tấn công 10 mục tiêu cùng lúc, ở khoảng cách lên tới 150km và độ cao 25km. Theo công bố của nhà sản xuất, cho đến nay, đây là hệ thống phòng không duy nhất do châu Âu sản xuất có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo.

* Không quân Mỹ nhận thêm “thùng xăng bay” KC-46 Pegasus

Theo World Defence News, Không quân Mỹ vừa nhận bàn giao thêm 2 máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46 Pegasus, nâng số lượng máy bay này trong biên chế lên 84 chiếc.

Hai máy bay KC-46 Pegasus này được chuyển cho hai Không đoàn thuộc Không quân Mỹ đóng tại căn cứ hỗn hợp McGuire-Dix-Lakehurst (JBMDL) ở bang New Jersey, Mỹ.

Máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46 Pegasus của không quân Mỹ. Ảnh: Air Force Times

Máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46 Pegasus của không quân Mỹ. Ảnh: Air Force Times

Tính đến nay, không quân Mỹ đã sử dụng KC-46 Pegasus để tiếp nhiên liệu trên không cho tất cả các loại máy bay trong biên chế.

Được gọi là “thùng xăng bay”, KC-46 Pegasus được phát triển trên khung thân máy bay thương mại động cơ kép Boeing 767, là một trong 3 ưu tiên mua sắm hàng đầu của Không quân Mỹ, bên cạnh chương trình trang bị tiêm kích F-35 và máy bay ném bom tầm xa tàng hình LRS-B. Lực lượng này có kế hoạch mua 179 máy bay tiếp nhiên liệu mới để thay thế phi đội KC-10 và KC-135 đang có trong biên chế.

Được trang bị cả ống tiếp nhiên liệu cứng lẫn mềm đặt ở cánh và thân máy bay, KC-46 Pegasus có sức chở 96 tấn nhiên liệu và khả năng tiếp nhiên liệu cho tất cả các máy bay cánh cố định (có thể tiếp một lúc 2 máy bay) với tốc độ chuyển tối đa lên tới hơn 4.500 lít/phút. Ngoài ra, tùy theo nhiệm vụ mà máy bay có thể vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị quân sự cũng như binh sĩ.

MINH ANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-5-6-nga-trien-khai-phao-tu-hanh-moi-nhat-den-ukraine-779712