Quân sự thế giới ngày 17/9: Mỹ cung cấp áo giáp mốc và đạn hết hạn cho Đài Loan (Trung Quốc)
Tin tức cập nhật mới nhất về tình hình quân sự thế giới ngày 17/9: Mỹ hoàn tất rút quân khỏi Niger; Tổng thống Putin ra lệnh mở rộng quân đội Nga...
Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Niger
Theo tờ Militarytimes, Quân đội Mỹ đã hoàn thành việc rút quân khỏi Niger - một quốc gia ở Tây Phi, theo xác nhận từ một quan chức chính phủ Mỹ vào hôm thứ Hai. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Sabrina Singh cho biết, một nhóm nhỏ nhân viên quân sự vẫn ở lại để đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Mỹ.
Quá trình rút quân diễn ra sau khi chính quyền Niger vào đầu năm nay chấm dứt thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ hoạt động tại quốc gia này. Đến tháng 9, cả hai bên đã đưa ra tuyên bố chung rằng quân đội Mỹ sẽ hoàn thành việc rút lui vào giữa tháng. Tháng trước, các căn cứ quân sự cuối cùng đã được bàn giao cho chính quyền Niger, nhưng khoảng hai chục binh sĩ Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hành chính liên quan.
Việc Niger loại bỏ sự hiện diện của quân đội Mỹ, sau cuộc đảo chính hồi năm ngoái, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho Washington. Quân đội Mỹ buộc phải từ bỏ các căn cứ quan trọng phục vụ cho nhiệm vụ chống khủng bố tại khu vực Sahel, nơi các nhóm khủng bố liên kết với Al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo đang hoạt động mạnh mẽ.
Một trong những nhóm nổi bật trong khu vực, Jama'a Nusrat ul-Islam wa al-Muslimin (JNIM), đã mở rộng hoạt động tại Mali, Burkina Faso và Niger, đồng thời có kế hoạch lan sang Benin và Togo. Niger, trước đây được coi là một đối tác chiến lược của phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố, giờ đây đã rút lui khỏi các đồng minh phương Tây để tìm kiếm sự hỗ trợ an ninh từ Nga. Vào tháng 4, các huấn luyện viên quân sự Nga đã đến Niger để hỗ trợ củng cố hệ thống phòng không của nước này.
Tổng thống Putin ra lệnh mở rộng quân đội Nga lên 1,5 triệu quân thường trực
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh mở rộng quy mô quân đội lên 1,5 triệu quân thường trực, nâng tổng số quân nhân lên gần 2,4 triệu người. Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 1/12, với việc bổ sung 180.000 binh sĩ. Đây là lần thứ ba kể từ khi cuộc chiến với Ukraine bắt đầu vào năm 2022, ông Putin ra lệnh tăng cường quân số.
Trước đó, vào tháng 8/2022, ông Putin đã chỉ đạo bổ sung thêm 137.000 quân, nâng tổng số binh sĩ lên 1,15 triệu người. Vào tháng 12/2023, Nga tiếp tục tăng thêm 170.000 quân, đưa tổng số lên 1,32 triệu. Đợt mở rộng lần này diễn ra trong bối cảnh chiến sự với Ukraine ngày càng leo thang, đặc biệt sau khi Ukraine tiến vào khu vực Kursk của Nga hồi đầu tháng 8, chiếm được hàng dặm lãnh thổ và bắt giữ hàng trăm binh sĩ.
Nga đã đáp trả và cam kết sẽ loại bỏ sự hiện diện của Ukraine tại khu vực Kursk, đồng thời đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về khả năng leo thang xung đột nếu phương Tây thay đổi chính sách. Các báo cáo gần đây cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa, điều mà ông Putin coi là một bước leo thang nguy hiểm từ phía NATO.
"Điều này sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột" ông Putin nhấn mạnh và cảnh báo rằng nếu NATO và các quốc gia phương Tây trực tiếp tham chiến với Nga, Moscow sẽ có những quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa mới.
Mỹ cung cấp áo giáp mốc và đạn dược hết hạn chuyển giao cho Đài Loan (Trung Quốc)
Theo tờ South China Morning Post, Áo giáp mốc và đạn dược hết hạn nằm trong số thiết bị quân sự "không thể sử dụng được" mà Mỹ vừa chuyển giao cho Đài Loan (Trung Quốc), khiến Bộ Quốc phòng hòn đảo này phải xem xét lại. Các lô hàng này được vận chuyển từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 3 năm nay thông qua The US Presidential Drawdown Authority (PDA).
Theo Văn phòng Tổng thanh tra Hoa Kỳ (OIG), trong số các trang bị có hơn 3.000 tấm giáp và 500 áo khoác chiến thuật bị hư hỏng do nước, ẩm mốc bao phủ. Vấn đề này đã được Đài Loan báo cáo và đang được điều tra.
Ngoài ra, một số trong 2,7 triệu viên đạn được giao có chất lượng kém, được sản xuất từ năm 1983 và đã hết hạn sử dụng, gây khó khăn cho việc kiểm kê và quản lý tại Đài Loan. OIG còn phát hiện sáu khẩu súng máy M240B bị ném bừa bãi trong một thùng các tông mà không có lớp bọc bảo vệ.
Báo cáo của OIG tuần trước nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc đã quản lý yếu kém trong việc cung cấp trang thiết bị PDA cho Đài Loan (Trung Quốc), dẫn đến việc giao hàng không đạt tiêu chuẩn. Điều này không chỉ gây ấn tượng xấu cho đối tác mà còn làm tăng chi phí và gây ra chậm trễ trong quá trình tiếp nhận và kiểm tra.
Mặc dù Lầu Năm Góc đã thừa nhận sai sót, họ cho biết đang nỗ lực cải thiện quy trình để đảm bảo rằng các thiết bị cung cấp cho Đài Loan đủ chất lượng và có thể sử dụng. Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng xác nhận đang hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề này.
Ukraine sắp có thêm tiêm kích F16 từ Đan Mạch
Chính phủ Đan Mạch cam kết sẽ chuyển lô tiêm kích F-16 thứ hai cho Ukraine vào cuối năm nay, sau khi lô đầu tiên đã được bàn giao vào tháng 7. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen ngày 15/9 tuyên bố, Đan Mạch sẽ tiếp tục cung cấp F-16 nhưng không tiết lộ cụ thể số lượng và thời gian vì lý do an ninh.
Ukraine đã tiếp nhận lô F-16 đầu tiên vào tháng 7, sau khi Mỹ bật đèn xanh cho các đồng minh châu Âu viện trợ 79 máy bay cho Kiev, trong đó Đan Mạch đóng góp 19 chiếc. Truyền thông Ukraine cho biết họ dự kiến nhận 20 tiêm kích trong năm nay. F-16 được xem là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực không quân của Ukraine, vốn đang vận hành các máy bay cũ từ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, một chiếc F-16 của Ukraine đã rơi vào cuối tháng 8, gây tổn thất lớn về cả nhân lực lẫn tinh thần. Nga tuyên bố sẽ bắn hạ mọi chiếc F-16 và khẳng định loại vũ khí này không đủ sức thay đổi cục diện chiến trường.
Israel đặt mục tiêu đưa dân trở lại biên giới bắc giữa xung đột với Hezbollah
Israel tuyên bố việc đưa dân trở lại khu vực biên giới phía bắc giáp Lebanon là một phần trong mục tiêu chiến tranh tại Gaza, theo Reuters ngày 17-9. Kể từ khi xung đột tại Gaza bùng phát vào tháng 10-2023, lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã liên tục tấn công xuyên biên giới để thể hiện sự ủng hộ đối với Palestine. Các cuộc giao tranh khiến hàng chục nghìn người dân phải sơ tán khỏi khu vực này.
Quyết định được đưa ra trong cuộc họp an ninh của Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu chủ trì vào đêm 16-9. Mục tiêu chiến tranh của Israel tại Gaza bao gồm tiêu diệt năng lực quân sự của Hamas, hồi hương toàn bộ con tin, đảm bảo Gaza không còn đe dọa Israel, và đưa người dân trở lại khu vực biên giới phía bắc. Tel Aviv coi xung đột với Hezbollah là một phần của cuộc chiến tại Gaza, dù hai khu vực này không liền kề về địa lý.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố ngày 16-9 rằng khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn đang dần biến mất do Hezbollah tiếp tục hỗ trợ Hamas. Gallant khẳng định giải pháp duy nhất để người dân phía bắc Israel có thể trở về nhà là thông qua biện pháp quân sự.