Quan tài cổ nghìn năm chứa điều huyền bí trong hang đá ở Sơn La

Hang Tạng Mè (xã Suối Bàng, Vân Hồ, Sơn La) có 30 cỗ quan tài làm bằng gỗ niên đại di cốt trên 1.000 năm chứa đựng nhiều điều huyền bí.

Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vân Hồ, xã Suối Bàng nằm ven sông Đà vẫn còn vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên. Từ xa xưa, người dân Suối Bàng truyền tai nhau về những khu mộ cổ nằm cheo leo trên vách núi. Đến nay, sau cả nghìn năm, người biết tới bí mật về khu nghĩa địa trên cao ấy chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Hang mộ Tạng Mè có mái đá lớn, cửa hang quay về hướng đông và nhìn xuống suối Lồi. Từ bờ suối lên tới cửa hang cao khoảng 200m đường lên dốc đứng, hiểm trở. Kết quả nghiên cứu phân tích Carbon-C14 của các nhà khoa học xác định, những mộ này có niên đại di cốt cách đây 1.240 năm.

Để giải mã những bí ẩn về khu nghĩa địa trên vách đá, PV được ông Mùi Văn Chiền (60 tuổi), thầy mo của bản Nà Nồi, xã Suối Bàng dẫn đường. Trước khi khởi hành, thầy mo làm một lễ nhỏ với mong muốn hành trình sẽ diễn ra thuận lợi.

Đường lên tới hang Tạng Mè rất khó khăn khi liên tục phải đi qua vùng đất đồi trơn trượt, những vách đá cheo leo nằm nép bên bờ sông Đà. Quá trình di chuyển lên hang, thầy mo Mùi Văn Chiền kể những câu chuyện mang màu sắc huyền bí, tâm linh...

Đường lên hang Tạng Mè rất khó khăn, hiểm trở. Ảnh: Nhị Tiến

Đường lên hang Tạng Mè rất khó khăn, hiểm trở. Ảnh: Nhị Tiến

Thầy mo Mùi Văn Chiền đưa phóng viên lên hang Tạng Mè. Ảnh: Nhị Tiến

Thầy mo Mùi Văn Chiền đưa phóng viên lên hang Tạng Mè. Ảnh: Nhị Tiến

Theo chia sẻ của ông Chiền: "Khu mộ này hiện có khoảng 32 cỗ quan tài của người dân tộc Xá. Nhiều người cao tuổi ở bản cũng không hề biết về sự tích của những cỗ quan tài này. Tôi may mắn khi từ nhỏ đã thích nghe những câu chuyện của những cao niên và tìm hiểu khá nhiều về khu mộ này nên mới biết nhiều thông tin".

Thầy mo Mùi Văn Chiền cho biết, theo truyền thuyết, vùng đất này từ rất xa xưa có hai dân tộc chính sinh sống là người Xá và người Thái. Giữa người Xá và người Thái thời đó có mâu thuẫn với nhau. Để giải quyết mâu thuẫn, hai dân tộc này tổ chức một cuộc thi, nếu bên nào bắn tên ghim được vào tảng đá thì sẽ làm chủ mảnh đất này. Họ chặt ngón tay lập lời thề.

Theo lời kể của ông Chiền, thời điểm đó, người Xá cậy sức khỏe nên đã chế nỏ mạnh, mũi tên vót nhọn bọc sắt nhưng cứ bắn vào đá là lại trượt ra không thể nào ghim vào được. Còn người Thái chế nỏ có cánh yếu rồi mài đầu mũi tên thành hình vuông lấy sáp ong bọc lên đầu mũi tên và đã thành công ghim được vào đá.

Người Xá nhận thua trả lại chủ quyền mảnh đất cho người Thái. Từ đó người Thái tuyên bố vùng này là của người Thái, người Xá khi qua đời sẽ không được chôn dưới đất.

"Thua cuộc, người Xá mỗi khi có người chết lại hò nhau kéo quan tài lên hang núi để an táng, cứ người trên kéo người dưới đẩy lên. Có khi đẩy được 1 quan tài lên núi thì bị thương vong thêm mấy người. Chính vì vậy, người Xá lại chặt ngón tay và thề không xâm phạm vào đất người Thái nữa rồi bỏ đi", ông Chiền giải thích về nguồn gốc của những cỗ quan tài nằm cheo leo trên đỉnh núi.

Những ngôi mộ cổ trong hang đá có niên đại 1.000 năm. Ảnh: Nhị Tiến

Những ngôi mộ cổ trong hang đá có niên đại 1.000 năm. Ảnh: Nhị Tiến

Một ngôi mộ còn nguyên vẹn trong hang ma. Ảnh: Nhị Tiến

Một ngôi mộ còn nguyên vẹn trong hang ma. Ảnh: Nhị Tiến

Khi dẫn PV đến hang ma, ông Chiền phải làm thêm một lễ cúng bái và thắp hương thành kính với những người đã khuất. Khi kết thúc lễ, ông Chiền nói "bây giờ mọi người có thể chụp ảnh, quay phim được rồi".

Theo quan sát, những cỗ quan tài an táng trên núi được làm khá cầu kì như hình tượng con người, mỗi cỗ quan tài dài khoảng hơn 2m làm từ thân cây khoét rỗng. Hai đầu chế tác mấu chốt hình “đầu thuyền đuôi én”. Một số quan tài trong hang còn có hình răng cưa. Trải qua cả nghìn năm vẫn còn một số quan tài khá nguyên vẹn, có quan tài còn giữ lại hài cốt của người xưa.

Theo ông Chiền, trên địa bàn xã Suối Bàng hiện nay có khoảng trên 50 cỗ quan tài, phần lớn có dấu hiệu xuống cấp theo thời gian.

Đã có nhiều nhà khoa học, các nhà dân tộc học lẫn các nhà khảo cổ học tìm đến xã Suối Bàng để tìm hiểu những bí ẩn về những cỗ quan tài táng treo ở hang ma. Đến nay mọi đáp án đưa ra vẫn chỉ là giả thiết, chưa có kết luận khoa học chính thức nào về nguồn gốc các hài cốt cũng như cách chôn cất người chết ở vùng đất này cách đây cả nghìn năm.

Theo các nhà khoa học, lối mộ táng trong thân gỗ, là một phong tục của tộc người cổ xuất phát từ điều kiện tự nhiên và mong muốn chết được an toàn, siêu thoát. Khu di tích hang mộ Tạng Mè có giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng và tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ đang cần tiếp tục được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Cửa hang hướng ra phía sông Đà. Ảnh: Nhị Tiến

Cửa hang hướng ra phía sông Đà. Ảnh: Nhị Tiến

Ông Lò Cầm Hoàng, Chủ tịch UBND xã Suối Bàng cho biết, di tích hang mộ Tạng Mè là loại hình di tích đặc biệt, độc đáo, có giá trị quan trọng về lịch sử, là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội của những cư dân cổ.

Để đảm bảo nguyên trạng khu hang mộ Tạng Mè, UBND xã đã chỉ đạo không tự ý di dời, thay đổi hiện vật trong di tích, không được làm thay đổi môi trường cảnh quan, chỉ thực hiện các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Còn theo thông tin do UBND tỉnh Sơn La công bố, hang mộ Tạng Mè là di chỉ khảo cổ học thuộc loại hình “huyền táng” (táng treo), có niên đại trên 1000 năm được táng treo trên vách hang ở lưng chừng núi có độ cao trung bình từ 200m-400m. Di tích khảo cổ hang mộ Tạng Mè được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia ngày 5/3/2014.

Nhị Tiến

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quan-tai-co-nghin-nam-chua-dieu-huyen-bi-trong-hang-da-o-son-la-2291659.html