Quan tâm cải thiện chất lượng giáo dục ở huyện đảo Lý Sơn

Cách đất liền 17 hải lý, đời sống ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục, từ nhiều năm qua, cấp ủy, sở, ngành và địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh ra lớp luôn cao và có trường học đạt chuẩn quốc gia.

Hoạt động “Nuôi heo đất gửi yêu thương” giúp các bạn khó khăn của thầy và trò Trường THCS An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Hoạt động “Nuôi heo đất gửi yêu thương” giúp các bạn khó khăn của thầy và trò Trường THCS An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Cách đất liền 17 hải lý, đời sống ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục, từ nhiều năm qua, cấp ủy, sở, ngành và địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh ra lớp luôn cao và có trường học đạt chuẩn quốc gia.

Trường THCS An Hải rộn ràng tiếng cười nói của thầy giáo, cô giáo cùng học sinh. Bên trong phòng họp, các thầy, cô giáo đang tổng kết sơ bộ hoạt động của Quỹ học bổng Ấm áp mùa xuân. Thầy giáo Phạm Văn Phước, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường THCS An Hải có 17 lớp với 590 học sinh. Những năm trước, tỷ lệ bỏ học từ 15% đến 20% do hầu hết người dân làm nghề đánh bắt hải sản, kinh tế gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện cho con em tới trường. Trước những khó khăn đó, chúng tôi quyết tâm níu giữ các em ở trường lớp.

Cùng với nhiều nguồn hỗ trợ khác, Quỹ học bổng Ấm áp mùa xuân hình thành từ năm 2016 với sự đóng góp của giáo viên, học sinh giúp những học sinh mồ côi, con em ngư dân nghèo. Ðầu năm học, trường lập danh sách học sinh cần chăm lo để các em không bỏ lớp, bỏ trường. Toàn trường có gần 90 học sinh, chủ yếu là con em ngư dân nghèo, mồ côi. Giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh từng học sinh để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Mỗi năm học, Quỹ trao học bổng, giúp đỡ 40 đến 60 học sinh. Sự động viên, an ủi đó đã giúp nhiều học sinh vượt qua khó khăn để được đến trường; tỷ lệ bỏ học cũng giảm mạnh, chỉ còn dưới 1%.

Những năm qua, Trường THCS An Vĩnh có nhiều biện pháp phù hợp để thực hiện tốt công tác giảng dạy, giữ chân học sinh đến trường. Thầy giáo, cô giáo luôn bám sát học sinh, không để tình trạng bỏ học các lớp cuối cấp. Thầy giáo Dương Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường THCS An Vĩnh cho biết việc quản lý học sinh của trường luôn mềm dẻo, khéo léo; phương pháp giảng dạy của giáo viên bộ môn không áp đặt, không cứng nhắc, vực dậy tinh thần học tập của học sinh.

Những năm qua, huyện đảo Lý Sơn được đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh về kinh tế - xã hội. Huyện Lý Sơn huy động các nguồn lực để xây dựng trường lớp khang trang, duy trì trường đạt chuẩn quốc gia. Ðầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để nâng chuẩn giáo dục. Toàn huyện Lý Sơn hiện có tám trường với tổng 4.534 học sinh, gồm các bậc học từ mầm non đến THCS; trong đó, có ba trường mầm non, ba trường tiểu học và hai trường THCS. Trong năm học, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng phương pháp dạy cho giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường; chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, sáng tạo, tích cực; tăng cường các hoạt động đội, thể thao, phong trào khuyến khích học sinh tham gia sinh hoạt. Công tác chuyên môn được chú trọng điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đối tượng, thực hiện dạy tiết học hoạt động trải nghiệm trong thời khóa biểu chung với các môn học, phát huy khả năng tư duy, tính sáng tạo của học sinh. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Lý Sơn Phạm Văn Thảo, toàn huyện hiện có năm trường các bậc học từ mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh bỏ học tại huyện đảo Lý Sơn giảm mạnh, còn dưới 1%.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết: Với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên cùng cư dân trên đảo, chất lượng giáo dục huyện đảo Lý Sơn ngày càng được nâng cao, chuẩn hóa. Huyện Lý Sơn tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, bảo đảm đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Bài và ảnh: Ðông Huyền, Nam Minh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/quan-tam-cai-thien-chat-luong-giao-duc-o-huyen-dao-ly-son-643562/