Quan tâm chăm lo hơn nữa cho người lao động
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc. Để chăm lo tốt đời sống công nhân lao động (CNLĐ), trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình 'Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ trên địa bàn tỉnh'.
Mô hình, khu vui chơi cho CNLĐ còn ít
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết: “Tỉnh luôn xác định, lực lượng CNLĐ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực chăm lo cho đội ngũ CNLĐ như về nhà ở, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục, đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, giải trí phục vụ cho người lao động (NLĐ). Đồng thời, tỉnh tích cực phối hợp cùng doanh nghiệp không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ”.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, tay nghề, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ được các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn quan tâm thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực… Với những chủ trương đúng đắn, được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận CNLĐ trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cao. Các vấn đề về việc làm, thu nhập, nhà ở, không gian sinh hoạt vui chơi, giải trí... của đại đa số CNLĐ từng bước được cải thiện.
Thời gian qua, tỉnh đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng được khoảng 1,33 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Công ty cổ phần (Becamex IDC) đầu tư 1,055 triệu m2 sàn, cung cấp 28.916 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 28.664 người; khoảng 275.000m2 sàn tại 17 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do các thành phần kinh tế khác đầu tư, cung cấp 4.305 căn hộ, đáp ứng cho 19.547 người.
Hiện toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp xây dựng nhà giữ trẻ, trường mầm non phục vụ 3.000 con em CNLĐ. Trường Mầm non 28-7 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (TX.Bến Cát) với quy mô trên 200 cháu là điển hình về việc bảo đảm nơi học tập cho con em CNLĐ. Cùng với đó, tỉnh có 450 doanh nghiệp bố trí diện tích, không gian để NLĐ tham gia tập luyện thể dục thể thao; khoảng 300 doanh nghiệp bố trí sân khấu, phòng tập, thiết bị âm thanh, dàn máy để sinh hoạt văn nghệ...
Tuy nhiên, việc tăng nhanh số lượng CNLĐ đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết: Đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; chưa được thụ hưởng tương xứng với thành quả lao động; điều kiện và môi trường làm việc chưa bảo đảm; việc chăm sóc sức khỏe, nơi gửi trẻ, nhà ở cho công nhân… vẫn còn nhiều bất cập. Các thiết chế văn hóa, mô hình, khu vui chơi cho NLĐ, con em CNLĐ còn thiếu; trình độ học vấn, chuyên môn tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp của đa số CNLĐ còn hạn chế, công nhân bậc cao, tay nghề giỏi còn chiếm tỷ lệ thấp; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNLĐ ở một số nơi chưa cao. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đúng mức đến đời sống của NLĐ.
Quan tâm chăm lo hơn nữa
Ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết thêm, trong năm 2022, Bình Dương tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để chăm lo và tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ; từng bước đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của NLĐ để họ yên tâm lao động, sản xuất và cùng chung vai, trách nhiệm xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng phát triển bền vững.
Qua đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra các mục tiêu phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, CNLĐ nhập cư; giải quyết kịp thời, hiệu quả về việc làm, nơi ở, điều kiện chăm sóc sức khỏe, nơi vui chơi, giải trí cho CNLĐ, tạo môi trường an toàn, an ninh trong công nhân; nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ. Tỉnh sẽ xây dựng môi trường văn hóa lao động an toàn, tích cực, lành mạnh trong doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các phong trào văn hóa, văn nghệ, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống tinh thần cho CNLĐ.
Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho NLĐ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm chính sách, pháp luật của các doanh nghiệp và người sử dụng lao động đối với NLĐ; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp.
Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 - 40.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%. Mỗi khu công nghiệp có ít nhất 1 khu sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ; xây dựng mới từ 1 - 2 trung tâm văn hóa lao động. Hàng năm, có từ 80% NLĐ trở lên được cung cấp, phổ biến thông tin tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có từ 45 - 50% CNLĐ trong loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước và từ 60 - 70% CNLĐ trong loại hình doanh nghiệp Nhà nước được tuyên truyền giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng đạo đức, tác phong lao động công nghiệp. Tỉnh phấn đấu có ít nhất 65% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện công đoàn tham gia; 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể…
Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có khoảng 1 triệu chỗ ở (gồm nhà trọ đạt chuẩn, nhà ở xã hội, nhà lưu trú hoặc ký túc xá và nhà ở thương mại giá thấp) để người lao động thuê, mua để ở...
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/quan-tam-cham-lo-hon-nua-cho-nguoi-lao-dong-a265347.html