Quan tâm chăm lo nữ công nhân, viên chức, lao động
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 6b/NQ-BCH về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (CNH-HĐH) (gọi tắt là Nghị quyết số 6b) và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ về phong trào thi đua 'Giỏi việc nước, đảm việc nhà' trong nữ CNVCLĐ (gọi tắt là Chỉ thị số 03) giai đoạn 2010 - 2020, đã tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ trong tỉnh khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Đặc biệt, các chị đóng góp sức lực, trí tuệ trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh khẳng định, xác định công tác vận động nữ CNVCLĐ là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng của tổ chức công đoàn nhằm phát huy vai trò, tiềm năng, trí tuệ của nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các cấp công đoàn trong tỉnh xem đây là trách nhiệm trực tiếp, thường xuyên và được quán triệt thực hiện trong các mặt hoạt động của công đoàn. Ban nữ công đã tham mưu cho ban chấp hành công đoàn các cấp kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVCLĐ, tham gia cùng các cơ quan nhà nước góp ý vào các văn bản pháp luật, các chính sách có liên quan đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Phối hợp với lãnh đạo chuyên môn của cơ quan, đơn vị, khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ được học tập, bồi dưỡng kiến thức về chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; qua đó đã có nhiều đoàn viên nữ được tin tưởng bố trí vào các vị trí quản lý, lãnh đạo các cấp trong tỉnh.
Trong 10 năm, đã tư vấn, hướng dẫn cho 1.759 lao động nữ thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, Luật Công đoàn và những vấn đề liên quan đến người lao động như tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm… Qua đó, đoàn viên, công nhân, lao động hiểu biết những quy định về chế độ, chính sách mà người lao động được hưởng, từ đó thực hiện đúng pháp luật, tự bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tham mưu cho cấp ủy cùng cấp trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, cán bộ nữ tham gia Thường trực LĐLĐ tỉnh là 2/3 đồng chí, chiếm tỷ lệ 66,66%, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh có 6/11 nữ, chiếm tỷ lệ 54,54%, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh có 12/36 nữ, chiếm tỷ lệ 33,33%. Đối với cấp huyện: ban thường vụ có 26/72 nữ, chiếm tỷ lệ 36,11%, ban chấp hành có 73/221 nữ, chiếm tỷ lệ 33,03%.
Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là phong trào thi đua mang đặc thù giới xuyên suốt quá trình hoạt động nữ công của các cấp công đoàn. Căn cứ vào các văn bản của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn đã hướng dẫn việc triển khai phong trào sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị như: ngành giáo dục với phong trào “Hai tốt”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”; ngành y tế có phong trào thi đua thực hiện 12 điều y đức theo chuẩn mực “thầy thuốc như mẹ hiền”; phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” trong nữ CNVCLĐ... gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” một cách đồng bộ, đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác nữ công và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ.
Qua 10 năm, nữ đoàn viên, CNVCLĐ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương trong tỉnh. Trong sản xuất, kinh doanh, chị em luôn thể hiện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật; tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề để thích ứng với cơ chế thị trường và công nghệ sản xuất mới; nhằm phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh đối với mặt hàng xuất khẩu; hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Về lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nữ cán bộ khoa học kỹ thuật trong tỉnh đã đóng góp nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị công trình lâu dài, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Các chị ở các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng có rất nhiều đề tài mang lại lợi ích thiết thực trong cải cách, quản lý hành chính, lưu trữ, trong quản lý, điều hành… Từ kết quả trên có thể khẳng định là dù trong cương vị công tác nào, các chị đều thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, có lòng yêu nước, luôn đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ tỉnh nhà. Phát huy bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Với những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 6b và Chỉ thị số 03 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 10 năm qua, toàn tỉnh đã có 185.840/207.435 lượt nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; hàng trăm tập thể, cá nhân được biểu dương khen thưởng. Qua đó, có thể khẳng định phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là động lực giúp chị em phấn đấu vươn lên thành đạt trong hoạt động xã hội và xây dựng hạnh phúc gia đình. Phong trào thực sự là tiêu chí lớn tạo điều kiện cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ phát huy phẩm chất, năng lực của phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.