Quan tâm chăm sóc sức khỏe học sinh
Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh (HS); làm tốt công tác vệ sinh trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú... đó là yêu cầu của ngành giáo dục tỉnh nhà đối với các đơn vị trường nhằm bảo đảm sức khỏe cho HS trong môi trường học đường, giúp các em học tập, rèn luyện tốt.

Trang thiết bị bếp ăn bán trú của Trường Mầm non thị trấn Lang Chánh 2 (Lang Chánh) được đầu tư khang trang bảo đảm an toàn mỗi bữa ăn bán trú của trẻ.
Theo các chuyên gia y tế, khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, chất lượng cuộc sống của mỗi HS. Qua hoạt động này giúp HS cũng như các bậc phụ huynh theo dõi được sức khỏe của con em mình, từ đó xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đưa ra lời khuyên cho con để quá trình học tập không ảnh hưởng tới sức khỏe. Việc khám sức khỏe định kỳ cũng sẽ góp phần phát hiện sớm những bệnh truyền nhiễm (nếu có) giúp các em HS biết cách phòng tránh và ngăn ngừa lây nhiễm chéo... Với ý nghĩa đó, hằng năm, các trường học trong tỉnh đều lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan y tế, bệnh viện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HS; tư vấn, truyền thông giáo dục sức khỏe tới cán bộ, giáo viên, HS với nhiều nội dung phong phú như, tổ chức truyền thông rửa tay bằng xà phòng; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; thực hiện nghiêm túc vệ sinh học đường bảo vệ sức khỏe HS...
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, nhiều năm qua, Trường Mầm non Hoằng Phong (Hoằng Hóa) luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe HS, phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Cô giáo Tạ Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoằng Phong chia sẻ: Với hơn 420 HS, 100% cháu đều ăn bán trú tại trường, vì vậy, ngoài công tác nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, hoạt động phòng, chống dịch bệnh được nhà trường đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường, lớp, khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi, đồ dùng bán trú bảo đảm an toàn, không để phát sinh mầm bệnh, nhà trường còn chủ động phối hợp với trạm y tế xã kiểm tra sức khỏe định kỳ cho HS như, đo chiều cao, cân nặng; kiểm tra tai, mũi, họng, răng miệng và tổ chức tiêm phòng theo quy định. Thông qua các hoạt động trên, nhà trường phát hiện những HS mắc bệnh lý như bệnh sâu răng, bệnh về đường hô hấp..., từ đó tư vấn và phối hợp với gia đình điều trị kịp thời cho các cháu.
Cũng theo cô Cúc, là trường tổ chức ăn bán trú, vì vậy, hoạt động này được nhà trường đặc biệt chú trọng từ khâu chọn thực phẩm, chế biến đến dinh dưỡng của mỗi bữa ăn. Nhiệm vụ này không đơn thuần là nhằm bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho trẻ; mà còn là trách nhiệm, thể hiện mức độ uy tín của nhà trường đối với HS, các bậc cha mẹ cũng như cộng đồng xã hội.
Không chỉ Trường Mầm non Hoằng Phong, tại nhiều đơn vị trường học khác trong tỉnh như: Trường Mầm non thị trấn Lang Chánh 2 (Lang Chánh); Tiểu học Hoằng Lưu (Hoằng Hóa); Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa)... công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe HS cũng được các nhà trường quan tâm chú trọng. Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), ngoài phối hợp với trạm y tế xã, 2 năm học gần đây nhà trường còn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến thăm khám sức khỏe định kỳ cho HS toàn trường. Thông qua kiểm tra sức khỏe, nhà trường nắm bắt được tình hình sức khỏe của HS, phát hiện sớm một số bệnh lý học đường thường gặp như tật khúc xạ, bệnh lý về răng miệng,... thậm chí là bệnh tim bẩm sinh, từ đó có những ưu tiên nhất định đối với các em. Đồng thời, thông báo cho gia đình HS để cha mẹ biết cách quan tâm, chăm sóc sức khỏe con em của mình đúng mực hơn.
Những kết quả đạt được từ sự quan tâm của ngành chức năng, sự nỗ lực của các nhà trường trong công tác chăm sóc sức khỏe HS thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, vấn đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HS vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó đáng chú ý là thực trạng thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện tại, 100% trường học trong tỉnh đều có nhân viên y tế nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm. Trong số hơn 2.000 trường học ở các cấp học, chỉ có khoảng 10% trường học có nhân viên y tế có trình độ từ trung cấp y trở lên, còn lại là do kế toán, thủ quỹ, giáo viên kiêm nhiệm. Do kiêm nhiệm nên nhiều người còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ và chưa làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về công tác y tế học đường, chăm sóc sức khỏe cho HS...
Trường học là nơi tập trung đông người nên rất dễ trở thành môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và lây lan nếu không triển khai triệt để các biện pháp phòng bệnh cũng như kiểm soát tốt tình hình sức khỏe HS. Theo khuyến cáo của ngành y tế, việc phát hiện sớm một số bệnh thường gặp ở độ tuổi HS là rất cần thiết, giúp cho gia đình và nhà trường phối hợp chăm sóc trẻ tốt hơn. Hiện nay, tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng, tật khúc xạ, bệnh răng miệng, các rối loạn về cơ, xương khớp, các bệnh về hô hấp, về rối loạn tâm thần đã, đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của HS. Bởi vậy, công tác y tế học đường, việc khám sức khỏe định kỳ cho HS cần được coi trọng đúng mức. Mỗi trường học nên có cán bộ y tế chuyên trách, phòng y tế học đường cần được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế, thuốc để các em được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần tích cực phối hợp với nhà trường theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện, khám, tư vấn và điều trị kịp thời các bệnh lý nhằm bảo đảm sức khỏe, tạo điều kiện cho HS phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-tam-cham-soc-suc-khoe-hoc-sinh-246430.htm