Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên
Nhiều năm qua, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã triển khai đồng bộ hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân trên toàn tỉnh. Từ đó, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình Câu lạc bộ Tiền hôn nhân.
Nhiều năm qua, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân trên toàn tỉnh. Từ đó, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình Câu lạc bộ (CLB) Tiền hôn nhân.
Trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản
Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, hoạt động của các CLB tiền hôn nhân là một trong những phương thức khá hiệu quả nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tiền hôn nhân đối với vị thành niên và thanh niên. Sinh hoạt tại các CLB giúp cả vị thành niên lẫn thanh niên nâng cao kiến thức, nhận thức, có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi về SKSS - tiền hôn nhân, đặc biệt là khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Em Nguyễn Khánh Linh (học sinh lớp 9, Trường THCS Quang Trung, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) cho biết: Qua buổi khám sức khỏe tại trạm y tế xã và nghe cán bộ dân số huyện tư vấn, em biết thêm những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản để hạn chế những hậu quả xấu xảy ra trong lứa tuổi học trò. Từ đó, chúng em xây dựng được mối quan hệ bạn bè lành mạnh, giúp nhau cùng tiến bộ. Các bạn gái còn được tư vấn để có thêm kiến thức về vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe…
Theo bà Bùi Thị Minh Kiều - cán bộ chuyên trách CLB Tiền hôn nhân thị trấn Cam Đức, hiện nay, hoạt động tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân được người dân ủng hộ, chủ động đưa các em tới thăm khám định kỳ. Không chỉ mang lại lợi ích cho các cặp vợ chồng sắp kết hôn, hoạt động này có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng DS trong tình hình mới. Do đó, mỗi gia đình có con đến tuổi kết hôn cần chủ động tham gia tư vấn, khám sức khỏe, góp phần chung tay với ngành DS nâng cao chất lượng giống nòi trong tương lai.
Hướng đến tính bền vững
CLB Tiền hôn nhân hoạt động với mục đích chia sẻ và cung cấp những thông tin về chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, nhằm nâng cao sự hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì, tình dục an toàn, phòng tránh có thai ngoài ý muốn, tác hại của việc nạo phá thai, phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… Từ đó, giúp các bạn trẻ sống lành mạnh, an toàn, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng giống nòi.
Các CLB Tiền hôn nhân thuộc mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, được thành lập trên địa bàn tỉnh từ năm 2011. Thời gian đầu, các CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng/lần. Vài năm gần đây, do kinh phí bị thu hẹp nên hầu hết CLB gặp khó khăn, phải sinh hoạt theo quý. “Nguồn sinh hoạt phí (trích từ Chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh) thấp, chỉ có 300.000 đồng/tháng nên các CLB khó khăn khi tổ chức hoạt động. Muốn tạo một sân chơi cho học sinh các trường cấp 2, 3, ban chủ nhiệm các CLB phải phối hợp với đoàn thanh niên, trung tâm học tập cộng đồng của xã, phường, thị trấn mới tổ chức được nên đôi khi chưa phát huy hết hiệu quả”, ông Nguyễn Minh Tuấn - cán bộ truyền thông DS-KHHGĐ huyện Cam Lâm nói.
Tuy vậy, vượt qua những khó khăn, từ năm 2018 đến nay, các CLB đã tổ chức được 81 buổi sinh hoạt định kỳ, thu hút 658 người tham dự; tổ chức 26 buổi nói chuyện chuyên đề về SKSS vị thành niên, thanh niên cho 700 lượt người; 42 buổi tư vấn nhóm nhỏ cho 1.257 lượt đối tượng vị thành niên, thanh niên. Nội dung tập trung tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ; Luật Hôn nhân gia đình; kiến thức chăm sóc SKSS và tiền hôn nhân; các vấn đề về KHHGĐ và những biện pháp tránh thai phù hợp với tuổi vị thành niên; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; kiến thức về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh.
Theo bà Trần Thị Kim Oanh, mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, rải đều ở các địa phương và một số trường học. Thời gian qua, chi cục đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên, đặc biệt đối với các em gái. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí, mô hình mới chỉ trang bị cho các em lượng kiến thức nhất định, chưa tạo được sân chơi đúng nghĩa, chưa có điều kiện cũng như cơ hội phổ cập kiến thức cho tất cả các em gái vị thành niên, thanh niên ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, kinh phí chương trình DS-KHHGĐ năm 2019 phân bổ chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động.
THANH TRÚC