Quan tâm chăm sóc 'vốn quý' của gia đình và xã hội

Người cao tuổi (NCT) là 'vốn quý' của mỗi gia đình và xã hội, bởi họ không chỉ có công sinh thành, mà còn là những người có nhiều kinh nghiệm sống để hướng dẫn, định hướng cho con cháu. Với chủ đề: 'Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích', hưởng ứng Ngày quốc tế NCT và Tháng hành động vì NCT Việt Nam năm nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ) tỉnh đã hướng dẫn các địa phương nội dung truyền thông nhằm phát huy vai trò của NCT, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc NCT.

Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng phối hợp khám sức khỏe NCT

Phát huy vai trò NCT

Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai đề án hoạt động chăm sóc NCT giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện chương trình hành động quốc gia về NCT. Công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong tỉnh quan tâm thực hiện. Đặc biệt, thời gian qua, các cấp hội NCT trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong nội dung hoạt động và khuyến khích NCT cùng tham gia. Nhiều NCT đã có nhiều đóng góp tích cực, luôn gương mẫu đi đầu, động viên con cháu, cộng đồng cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc...

Bà Nguyễn Thị Thái, ngụ khu phố 6, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một dù năm nay đã 64 tuổi nhưng vẫn rất tích cực trong các hoạt động địa phương. Tham gia công tác phụ nữ khu phố, bà thường xuyên nắm bắt các chương trình, hoạt động do phụ nữ thành phố, phường triển khai để chuyển tải đến phụ nữ ở khu phố kịp thời nhằm thực hiện tốt hơn. Trong gia đình, bà luôn làm gương, động viên con cháu cố gắng phấn đấu trong công việc, học tập, đóng góp xây dựng quê hương. “Mình là bà, là mẹ trong gia đình nên phải làm gương để con cháu noi theo. Ngoài làm việc chung của địa phương, dù lớn nhưng vẫn còn khỏe nên cô thường phụ con cháu quán xuyến việc gia đình để con cháu yên tâm làm việc, học tập”, bà Thái chia sẻ.

Theo số liệu thống kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam thời gian qua liên tục tăng, đạt 72,8 tuổi (năm 2009) lên 73,5 tuổi (năm 2017) và năm 2022 là 73,6 tuổi (trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi). Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao, nhưng số năm sống khỏe mạnh (tính từ lúc sinh) mới chỉ đạt 65 năm. Điều đó cũng đặt ra, việc chăm sóc NCT tại gia đình và cộng đồng cần tiếp tục chú trọng hơn nữa.

Để thực hiện điều đó, theo bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Chi cục phó Chi cục DSKHHGĐ tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT; từng bước xóa bỏ các định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT tại các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão...); các cơ quan, tổ chức, gia đình và cộng đồng không kỳ thị và coi NCT là gánh nặng; cần quan tâm giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình và cộng đồng có NCT.

Cần quan tâm, chăm sóc nhiều hơn

Hưởng ứng Ngày quốc tế NCT và Tháng hành động vì NCT Việt Nam năm nay, Chi cục DSKHHGĐ tỉnh đã hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố thường xuyên tổ chức, triển khai các hoạt động truyền thông vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng... về cơ hội, thách thức đối với việc chăm sóc và phát huy vai trò NCT nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư cho việc chủ động thích ứng với già hóa DS; xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với NCT, nhất là ở gia đình và cộng đồng.

Ngoài công tác truyền thông được ngành dân số thực hiện thường xuyên, nhất là vào các đợt cao điểm như kỷ niệm Ngày quốc tế NCT (1-10) và Tháng hành động vì CNT Việt Nam (tháng 10 hàng năm), trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe của NCT cũng được mỗi gia đình, cộng đồng và các cơ sở y tế rất quan tâm. Hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã triển khai chương trình hồ sơ sức khỏe NCT, cùng với đó là tổ chức các hoạt động khám bệnh, truyền thông về sức khỏe cho NCT.

Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, cho biết thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe NCT, vừa qua, trung tâm đã phối hợp với địa phương tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 5.239/6.479 NCT (tập trung chăm lo các cụ neo đơn, khuyết tật, thuộc diện hộ nghèo) tại 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đạt tỷ lệ 80,86% chỉ tiêu ngành y tế giao trong năm. Tham gia khám sức khỏe, NCT được các y, bác sĩ khám tổng quát, siêu âm tổng quát và tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống một số bệnh lý thường gặp, cách chăm sóc sức khỏe để sống khỏe mạnh…, góp phần tích cực vào việc nâng cao sức khỏe NCT trên địa bàn huyện.

Với những kinh nghiệm quý báu được tích lũy trong cuộc sống, NCT đóng vai trò hết sức quan trọng trong mỗi gia đình và đối với xã hội. Vì thế, theo bác sĩ Hồ Hoàng Vân, chăm sóc, tạo điều kiện cho NCT phát huy vai trò, đóng góp cho xã hội là trách nhiệm của các cấp, ngành, các đoàn thể, mỗi gia đình và toàn xã hội. Ở Bình Dương, công tác chăm sóc và bảo vệ NCT luôn được ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Các hoạt động của tỉnh đã góp phần động viên NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Tỷ lệ NCT từ 65 tuổi trở lên trong cơ cấu dân số Việt Nam giai đoạn 2017-2020 chiếm từ 8% - 9%. Năm 2021, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 8,3%. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt khoảng hơn 21 triệu người (chiếm 20% tổng dân số). Tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% (tương đương 27 triệu người) vào năm 2050. Số NCT ngày càng đông cho thấy tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh ở nước ta.

CẨM LÝ - PHẠM VƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/quan-tam-cham-soc-von-quy-cua-gia-dinh-va-xa-hoi-a306689.html