Quan tâm chế độ dinh dưỡng cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Nhằm nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, Bình Dương triển khai chương trình Tiểu dự án 2 “Cải thiện dinh dưỡng”. Chương trình được đón nhận nhiệt tình.
Cân đo nhân trắc cho trẻ em khó khăn
Thực hiện Tiểu dự án 2 “Cải thiện dinh dưỡng”, tại TP.Thủ Dầu Một, 14 Trạm Y tế phường đã đồng loạt tiến hành tổng cân đo nhân trắc cho trẻ từ 5-16 tuổi là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Song song đó, cán bộ y tế còn phỏng vấn về khẩu phần, chế độ ăn, thói quen tiêu thụ thực phẩm, thông tin nhân khẩu, tiền sử nuôi dưỡng, tiền sử bệnh của bà mẹ, người chăm sóc trẻ.
Sau khi thu thập đủ thông tin cần thiết, cán bộ y tế sẽ đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng, đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ ở thể thấp còi, thể gầy còm hay thể nhẹ cân. Thông qua các chỉ số, cán bộ y tế sẽ tư vấn phụ huynh chế độ dinh dưỡng phù hợp, khuyến khích gia đình tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho trẻ từ 12 tháng trở lên. Trường hợp phát hiện trẻ suy dinh dưỡng nặng, cán bộ y tế sẽ vận động người nhà đưa trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng kịp thời.
Đối với những trẻ không đến trạm y tế được, cán bộ Trạm Y tế phường đến tận nhà để thực hiện việc cân đo nhân trắc cho trẻ, đồng thời hướng dẫn các thành viên gia đình thực hành dinh dưỡng, cách chăm sóc trẻ, tư vấn cho các bà mẹ về cách nấu ăn tại nhà bảo đảm các nhóm dinh dưỡng.
Bà Trương Thanh Yến Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ kết quả điều tra, Trung tâm Y tế thành phố sẽ đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 16 tuổi là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. “Đây là cơ sở khoa học để trung tâm đưa ra giải pháp cụ thể nhằm triển khai các hoạt động can thiệp về dinh dưỡng tại cộng đồng cho phù hợp với trẻ trên địa bàn thành phố”, bà Châu cho biết thêm.
Kết thúc chiến dịch, toàn thành phố có gần 500 trẻ dưới 16 tuổi là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cân đo nhân trắc.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Thực hiện Tiểu dự án 2 “Cải thiện dinh dưỡng” cho con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, Bình Dương không được ngân sách Trung ương cấp kinh phí; tỉnh bố trí 4 tỷ đồng để triển khai các hoạt động trong năm 2024-2025. Trong khi đó, kinh phí triển khai ở tuyến huyện, thành phố gặp không ít khó khăn trong thủ tục đấu thầu mua sắm thuốc tẩy giun, thuốc đa vi chất và sản phẩm dinh dưỡng theo quy định nên không thực hiện hoạt động can thiệp cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và suy dinh dưỡng cấp tính nặng dưới 5 tuổi cho con em hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Tuy nhiên, với nguồn lực sẵn có, cán bộ y tế các địa phương vận dụng linh hoạt triển khai các chương trình nên tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng hàng năm tương đối ổn định. Cụ thể ở trẻ dưới 5 tuổi, cứ 100 trẻ thì có 5,2 trẻ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân, 3 trẻ suy dinh dưỡng gầy còm, 9,5 trẻ thấp còi và 8,5 trẻ thừa cân - béo phì.
Hiện ngành y tế đã tổ chức khảo sát, theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng hàng năm và định kỳ theo kế hoạch của trẻ học đường từ 5 - dưới 16 tuổi cho con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngành cũng tiến hành bổ sung vi chất dinh dưỡng, bổ sung vi chất sắt cho trẻ em gái vị thành niên từ 12 đến dưới 16 tuổi có kinh nguyệt thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp. Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn hàng ngày cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm; ưu tiên lựa chọn, sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, B, C, D, E… và nhóm các nguyên tố canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng). Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ; thêm dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo; trẻ 24-59 tháng tuổi cần được tẩy giun định kỳ; phụ nữ tuổi sinh đẻ, có thai cần uống viên sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.