Quan tâm công tác tư vấn tâm lý học đường

Những năm học qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh triển khai Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT, ngày 18/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Từ đó đã phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ.

Tiết học kỹ năng sống của cô trò tại thư viện Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Tam Điệp).

Tiết học kỹ năng sống của cô trò tại thư viện Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Tam Điệp).

Được thành lập và hoạt động khá hiệu quả nhiều năm qua, Tổ tư vấn học đường Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Tam Điệp) đã kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý học sinh, giúp học sinh vượt qua trở ngại về tâm lý để tiếp tục học tập.

Đồng chí Lê Tiến Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: Trong cuộc sống hiện đại, học sinh Tiểu học cũng gặp nhiều khó khăn về mặt tâm lý. Do đó việc tư vấn tâm lý học đường là cần thiết trong nhà trường để giúp các em có một khởi đầu tốt, có khả năng vượt qua những khó khăn của chính mình trong quá trình học tập, rèn luyện, trau dồi năng lực, phẩm chất.

Nhà trường đã chú trọng tổ chức các hoạt động như thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ tư vấn; lấy thông tin học sinh qua phiếu thông tin (về tên, khó khăn, sở thích…); lấy thông tin qua giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên dạy bộ môn; lấy thông tin qua phụ huynh, người thân, bạn bè của học sinh để từ đó nắm bắt học sinh đó đang gặp khó khăn gì, cần tham vấn về nội dung gì, vấn đề gì. Sau khi lấy thông tin học sinh, phân công giáo viên phụ trách Tổ tư vấn học đường gặp gỡ, chia sẻ, động viên, phân tích, trò chuyện với học sinh để giải quyết khó khăn cho các em. Nếu học sinh không thay đổi được, có chiều hướng xấu, nhà trường sẽ phối hợp với gia đình đưa các em gặp chuyên gia tâm lý.

Đặc biệt, nhà trường quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các tiết chào cờ, các tiết học giáo dục kỹ năng sống; các hoạt động ngoài giờ lên lớp về phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại tình dục, bắt cóc trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích.

Thông qua việc tuyên truyền, nhiều học sinh có vấn đề về tâm lý đã hòa đồng với bạn bè, biết chia sẻ, không rụt rè, không sợ hãi, không có biểu hiện tăng động, tự kỷ.

Em Đinh Trà My, lớp 4C cho biết: Khi đến trường, em được trao đổi trực tiếp với thầy cô về bài khó, được tham gia các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, giáo dục kỹ năng sống, chia sẻ với bạn bè những niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó giúp em thoải mái tư tưởng, học tập hiệu quả hơn.

Việc tư vấn tâm lý học đường cũng được triển khai ở các cơ sở giáo dục phổ thông với các hoạt động: tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Đồng thời còn tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi. Tư vấn kỹ năng, phương pháp học hiệu quả và định hướng nghề nghiệp…

Cô giáo Phạm Thị Bình Xuyên, Bí thư Đoàn trường, thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: Các vấn đề tâm lý thường gặp đối với học sinh lớp 12 là về định hướng nghề nghiệp, nhu cầu được tư vấn về phương pháp học tập có hiệu quả. Đối với học sinh khối 10, 11 có nhiều tâm tư về tuổi học trò, tình cảm bạn bè, tình cảm gia đình, các vấn đề xã hội cần tư vấn. Thầy cô là thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường đã vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, nghiên cứu các tài liệu qua sách, qua mạng Internet về tâm lý để tư vấn cho học sinh hiệu quả. Nhà trường đã thành lập được Phòng tư vấn tâm lý, tạo điều kiện tốt cho học sinh tham gia khi có nhu cầu được tư vấn tâm lý; các thông tin học sinh được Tổ tư vấn mã hóa trong sổ ghi chép và được bảo mật. Mỗi năm học, Tổ tư vấn nhà trường tư vấn khoảng 30-40 học sinh. Năm học 2021-2022, nhà trường có 1.221 học sinh/30 lớp.

Trên thực tế hiện nay, việc tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông là hoạt động mới, chưa có tính chuyên nghiệp trong trường học. Các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh chưa có giáo viên chuyên trách về tư vấn học đường mà việc tư vấn tâm lý do giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn, Đội hoặc y tế trường học kiêm nhiệm dưới sự giám sát của Ban giám hiệu nhà trường…

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục phổ thông đã có nhiều giải pháp tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý học sinh đối với cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm; bố trí phòng tâm lý riêng biệt; trang bị tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo việc tư vấn.

Bác sĩ chuyên khoa I Tạ Bá Trí, Trưởng Khoa Điều trị tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Theo số liệu thống kê hiện nay, trầm cảm ở trẻ em chiếm 3-5% (tỷ lệ trẻ em gái mắc cao hơn 2 lần ở trẻ em nam). Nguyên nhân do cấu trúc gen, yếu tố stress trong sinh hoạt, học tập, mối quan hệ gia đình. Có 9 triệu chứng bệnh trầm cảm như giảm khí sắc, liều lĩnh, thù địch, giận dữ; giảm hứng thú và sở thích đối với tất cả các hoạt động vui chơi, bạn bè; giảm 5% trọng lượng cơ thể trung bình; rối loạn giấc ngủ; kích động hoặc chậm chạp về vận động; trẻ thường mệt mỏi, không chịu chơi; trẻ cảm thấy vô dụng, hay than phiền tội lỗi, giảm khả năng tập trung xử lý; nghĩ tiêu cực và hành vi tự sát…

Do đó, việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý học đường là cần thiết, chú trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đáng tiếc xảy ra, đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho trẻ sinh hoạt, học tập.

Hiện nay, toàn tỉnh có 100% cơ sở giáo dục phổ thông đã thành lập được Tổ tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học. Các cơ sở giáo dục đã duy trì, đẩy mạnh hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý học đường, kịp thời tháo gỡ những bất cập trong công tác tư vấn học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thiện nhân cách học sinh.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quan-tam-cong-tac-tu-van-tam-ly-hoc-duong/d20220511133744281.htm