Quan tâm đào tạo nghề cho hội viên, phụ nữ

Với mục tiêu góp phần giảm nghèo bền vững, đa chiều; giúp hội viên, phụ nữ có kiến thức, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề. Đây là tiền đề quan trọng để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng từ các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ; giải quyết việc làm và khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

“Mục sở thị” mô hình trồng bí xanh và trò chuyện với Lò Thị Thóm - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chế biến rau, củ, quả an toàn bản Nà Phát (huyện Tam Đường) chúng tôi được biết, từ kinh nghiệm tích lũy qua sản xuất và kiến thức tiếp thu tại lớp sơ cấp nông nghiệp do UBND và Hội LHPN xã phối hợp tổ chức, tháng 2/2023, chị Thóm mạnh dạn vận động chị em trong bản thành lập Tổ hợp tác sản xuất chế biến rau, củ, quả an toàn bản Nà Phát. Chị Thóm nói: Từ lớp sơ cấp nông nghiệp đã giúp tôi và các thành viên trong tổ thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang mô hình liên kết và tăng hệ số sử dụng đất. Sau khi thành lập, tổ triển khai trồng 3,5ha bí xanh. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm bí xanh, chúng tôi tìm hiểu và ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Thương mại rau quả Ngọc Linh (tỉnh Sơn La) thu mua tận vườn, giá ổn định. Sau khi thu hoạch bí xanh, các thành viên trong tổ thực hiện trồng ngô vụ đông và luân phiên các vụ theo phương châm “không để đất nghỉ”.

Hội viên, phụ nữ trong tỉnh tham gia lớp dạy nghề làm tóc miễn phí tại Trường Cao đẳng Lai Châu.

Hội viên, phụ nữ trong tỉnh tham gia lớp dạy nghề làm tóc miễn phí tại Trường Cao đẳng Lai Châu.

Đến nay, hơn 1ha bí xanh của Tổ hợp tác sản xuất chế biến rau, củ, quả an toàn bản Nà Phát đã cho thu hoạch, thu khoảng 400 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Tổ còn liên kết kinh doanh dịch vụ ẩm thực dân tộc Thái. Với nhiều hoạt động mang lại lợi ích kinh tế cao, từ 10 thành viên ban đầu đã tăng lên 13 thành viên, trong đó có 1 thành viên là hội viên phụ nữ nghèo, con khuyết tật.
Chị Thóm chỉ là ví dụ điển hình trong hàng nghìn hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ đào tạo nghề và phát huy kiến thức được học, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả trong thời gian qua. Bà Khoàng Thị Thanh Nga - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của lao động nữ, tạo cơ hội để phụ nữ tìm kiếm việc làm, giảm nghèo, nâng cao vị thế, những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đào tạo, chuyển giao nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất miễn phí cho hội viên, phụ nữ. Chú trọng khảo sát thực tế từ hội viên, phụ nữ, từ đó đề xuất cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức dạy các nghề phù hợp với phụ nữ và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Thường xuyên phối hợp các đơn vị tư vấn, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề phù hợp với khả năng, trình độ của từng chị em và định hướng ngành, nghề kinh doanh cho hội viên, phụ nữ khi có ý định.
Cùng với chú trọng đào tạo nghề, các cấp hội phụ nữ thực hiện tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn cho hội viên vay vốn sản xuất, kinh doanh. Tính đến tháng 9/2024, tổng dư nợ do Hội LHPN tỉnh quản lý trên 1.000 tỷ đồng, với 377 tổ, 13.326 thành viên vay vốn. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình, dự án, quỹ “Vì phụ nữ nghèo”, quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, mô hình tiết kiệm tại các chi hội, tổ, nhóm.

Mô hình trồng bí xanh của Tổ hợp tác sản xuất chế biến rau, củ, quả an toàn bản Nà Phát (huyện Tam Đường).

Mô hình trồng bí xanh của Tổ hợp tác sản xuất chế biến rau, củ, quả an toàn bản Nà Phát (huyện Tam Đường).

Qua các lớp đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn, nhiều hội viên, phụ nữ đã áp dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn sản xuất bằng cách mạnh dạn thành lập tổ liên kết, tổ hợp tác chăn nuôi, mô hình sinh kế. Tiêu biểu như các mô hình: nuôi bò sinh sản ở xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn); nuôi lợn thịt, trồng hoa địa lan ở xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); cấy giống lúa nếp Co Giàng ở xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên); Tổ liên kết may, kinh doanh trang phục dân tộc Giáy bản Lở Thàng (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường). Hội viên điển hình như chị Lò Thị Tỉnh ở bản Chiềng Ban 1 (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) với mô hình trồng cây lấy gỗ trên diện tích 4ha, trồng dưa, bí xanh, ớt với tổng diện tích 2.000m2, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên, trừ chi phí mỗi năm thu 55-60 triệu đồng/năm…
Từ năm 2023 đến nay, các cấp hội phụ nữ phối hợp vận động, tuyên truyền và tổ chức cho 3.344 hội viên, phụ nữ tham gia các lớp đào tạo nghề về: trồng trọt, chăn nuôi, thêu, đan lát, may, làm tóc và móng… Sau khi học nghề, có trên 70% hội viên, phụ nữ có việc làm. Trung bình mỗi năm có hàng trăm hộ nghèo do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh thoát nghèo. Có thể khẳng định, đào tạo nghề đã và đang là hướng đi đúng, từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương; góp phần mở hướng tương lai, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Vương Trang

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/quan-t%C3%A2m-%C4%91%C3%A0o-t%E1%BA%A1o-ngh%E1%BB%81-cho-h%E1%BB%99i-vi%C3%AAn-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF