Quan tâm định hướng nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THPT

Năm 2025, cùng với học sinh lớp 12 trên cả nước, hơn 10.400 học sinh tỉnh Hà Nam sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT trong một bối cảnh rất đặc biệt. Đây là khóa học đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Không chỉ đổi mới về nội dung và hình thức thi, kỳ thi năm nay còn là bước ngoặt lớn đối với các em trong việc đưa ra lựa chọn ngành nghề cho tương lai.

Từ ngày 21/4 đến 28/4, học sinh lớp 12 cả nước thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo thống kê sơ bộ từ các trường THPT trong tỉnh, số lượng học sinh chọn thi các môn tự chọn là các môn xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật) vượt trội so với số học sinh chọn tổ hợp tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Trong số các môn xã hội, môn Lịch sử và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật được lựa chọn nhiều nhất. Một trong những nguyên nhân chính là do kỳ thi năm nay có thay đổi quan trọng, môn Địa lý không được mang Atlat vào phòng thi. Trong khi đó, theo chương trình mới, khối lượng kiến thức môn Địa lý tăng lên đáng kể, yêu cầu kỹ năng phân tích bản đồ, số liệu... khiến nhiều học sinh lo ngại.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Bình Lục cho biết: Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Toán và Ngữ văn vẫn là hai môn bắt buộc. Còn trong các môn tự chọn, Lịch sử, tiếng Anh, Vật lý là những môn tự chọn được học sinh chọn thi nhiều nhất. Tuy nhiên, tại Trường THPT A Bình Lục, số học sinh chọn Vật lý vẫn cao hơn môn Lịch sử, bởi đây là một trong số ít trường có số lớp tự nhiên nhiều hơn lớp xã hội. Sự phân hóa này cho thấy việc chọn tổ hợp thi không còn đơn thuần vì “dễ hay khó” mà phản ánh xu hướng lựa chọn ngành nghề và chiến lược thi đại học của học sinh.

Em Khương Thị Yến Nhi, học sinh Trường THPT B Phủ Lý chia sẻ: Em đăng ký thi tuyển vào Đại học Sư phạm, nên em chọn tổ hợp xã hội và đã tập trung học các môn này từ đầu lớp 10. Em nghĩ nghề giáo tuy vất vả nhưng ý nghĩa và phù hợp với mình... Với không ít học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa lại mong muốn theo đuổi những ngành học được xem là “xương sống” của thời đại như: Công nghệ thông tin, Ngoại giao, Kinh tế quốc tế, Bách khoa… Những lựa chọn này thể hiện phần nào sự thức thời và ý thức hòa nhập với xu thế phát triển của đất nước và thế giới.

Em Bùi Khánh Ngọc, học sinh lớp 12A7, Trường THPT A Phủ Lý đã từng rất yêu thích ngành báo chí, nhưng gần đây lại tỏ ra lưỡng lự do những biến động trong ngành nên quyết định chọn ngân hàng. Bùi Khánh Ngọc chia sẻ: Em rất thích viết lách, từng nghĩ học báo chí là ước mơ. Nhưng vừa rồi em thấy thông tin về việc tinh giản biên chế, nhiều cơ quan báo chí sáp nhập, tinh gọn… nên em sợ học xong không xin được việc. Còn em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh Trường THPT A Phủ Lý đã quyết định vào ngành Marketing của Đại học Kinh tế quốc dân. Trước đó, Ngọc Anh thích học Ngôn ngữ Trung, nhưng vì trong xu thế phát triển công nghệ như hiện nay, em nghĩ nếu muốn học một ngôn ngữ nào đó không phải là khó, không nhất thiết phải vào 1 trường đại học để học mà hãy tự học theo điều kiện và nhu cầu của bản thân.

Học sinh khối 12 Trường THPT A Phủ Lý trao đổi, chia sẻ thông tin việc lựa chọn ngành nghề sau tốt nghiệp.

Học sinh khối 12 Trường THPT A Phủ Lý trao đổi, chia sẻ thông tin việc lựa chọn ngành nghề sau tốt nghiệp.

Thực tế đó cho thấy, không chỉ năng lực cá nhân, mà những yếu tố như xu hướng tuyển dụng, chuyển biến thị trường lao động, chính sách quốc gia cũng đang tác động mạnh mẽ tới lựa chọn của học sinh. Khác với thế hệ trước, học sinh ngày nay không còn chỉ nghe theo cảm hứng hoặc chạy theo trào lưu mà đã biết cân nhắc cho mình “cơ hội nghề nghiệp” sau cánh cổng đại học.

Hằng năm, mặc dù các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, nhưng vẫn có học sinh còn thiếu thông tin, chọn ngành theo cảm tính hoặc chỉ vì “bạn bè cùng thi”. Một giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa cho biết: Có học sinh muốn theo ngành ngoại giao nhưng không hiểu rõ công việc thực tế. Có em mơ làm công nghệ mà không biết chọn trường nào. Đó là hậu quả của việc thiếu định hướng từ sớm. Bên cạnh đó, một số ít em đã rất nỗ lực để theo đuổi đam mê, nhưng lại thiếu hiểu biết về triển vọng việc làm. Một số khác thì hoàn toàn phó mặc cho cha mẹ quyết định. Cũng có trường hợp chọn ngành chỉ vì "nghe có vẻ sang", hoặc đơn giản là chọn ngành không cần học Toán. Những lựa chọn này rất dễ khiến học sinh thất vọng khi các ngành học không phù hợp với sở trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Phủ Lý cho rằng: Trong quá trình cân nhắc, lựa chọn ngành, nghề của học sinh, sự đồng hành của cha mẹ và thầy cô hết sức quan trọng. Nhưng đồng hành không có nghĩa là áp đặt. Vai trò của gia đình là giúp con nhận diện đúng năng lực bản thân, hiểu rõ thế mạnh và những điểm cần cải thiện, đồng thời cung cấp thêm thông tin khách quan về các ngành nghề. Về phía nhà trường, công tác hướng nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, theo hướng cá thể hóa. Theo đó, thay vì tổ chức các buổi tư vấn chung chung, nên có các chương trình tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành, thậm chí theo từng nguyện vọng cụ thể. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho học sinh được tiếp xúc sớm với thực tiễn nghề nghiệp, tham quan doanh nghiệp, gặp gỡ cựu học sinh, người đi trước...

Dù vậy, đối với lứa học sinh học Chương trình GDPT 2018, các em đã có sự định hướng và lựa chọn nghề từ sớm. Bởi ngay sau khi thi tuyển vào lớp 10, học sinh và phụ huynh đã có sự thống nhất trong việc chọn lớp học (xã hội và tự nhiên) ở trường. Việc chọn lớp, môn học từ đầu tạo cho các em một ý thức và mục tiêu nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. Cô giáo Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Phủ Lý khẳng định: Chọn nghề hôm nay là để sống tốt ngày mai – câu nói ấy chưa bao giờ đúng như lúc này. Bởi, trong một xã hội vận động không ngừng, nghề nghiệp không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là cách mỗi người đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cho cộng đồng. Việc học sinh cân nhắc kỹ càng khi chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện và nhu cầu xã hội là một tín hiệu tích cực.

Chu Uyên

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/quan-tam-dinh-huong-nghe-cho-hoc-sinh-sau-tot-nghiep-thpt-160615.html