Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ cơ sở
Nhằm không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri, từ đầu năm đến nay, HĐND và đại biểu HĐND các cấp đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó nhiều vấn đề mới, nổi cộm phát sinh đã được tiếp thu, báo cáo cơ quan chức năng giải đáp thỏa đáng... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nhằm không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri, từ đầu năm đến nay, HĐND và đại biểu HĐND các cấp đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó nhiều vấn đề mới, nổi cộm phát sinh đã được tiếp thu, báo cáo cơ quan chức năng giải đáp thỏa đáng, nhất là những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa diễn ra hồi đầu tháng 7-2022, một số cử tri kiến nghị, sau sáp nhập, nhiều thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có địa bàn rộng, số lượng hộ gia đình trực thuộc lớn nên cán bộ cơ sở thực hiện các phong trào, cuộc vận động rất vất vả. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì phó trưởng thôn, tổ phó tổ dân phố không được hưởng phụ cấp hàng tháng mà chỉ được hưởng tiền bồi dưỡng với mức 50 nghìn đồng/ngày thực tế tham gia công việc của thôn, xóm, tổ dân phố. Song, việc chi trả tiền bồi dưỡng theo ngày cũng hầu như chưa thực hiện được do khó khăn về nguồn kinh phí và thiếu hướng dẫn cụ thể… Giải đáp vấn đề này, đồng chí Triệu Đức Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã sớm hoàn thành. Trước đây, toàn tỉnh có 3.674 thôn, xóm, tổ dân phố; sau khi sáp nhập giảm còn 2.154 thôn, xóm, tổ dân phố tương ứng với tỷ lệ giảm hơn 41%. Cùng với giảm đầu mối, trên địa bàn tỉnh đã giảm đi hơn 9.300 người hoạt động tại thôn, xóm, tổ dân phố gồm những người hoạt động không chuyên trách, chi hội trưởng phụ nữ và bí thư chi đoàn thanh niên, công an viên và bảo vệ dân phố… Qua sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố đã góp phần nâng cao tính tự quản của người dân; đồng thời có điều kiện khôi phục, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Về chính sách của cán bộ cơ sở, theo quy định tại Thông tư số 14 của Bộ Nội vụ và quy chế tổ chức hoạt động, phân loại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 10 của UBND tỉnh thì mỗi thôn, tổ dân phố đều có trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Trong trường hợp cần thiết do yếu tố đặc thù như số hộ gia đình trong thôn, xóm, tổ dân phố lớn hoặc địa lý chia cắt, tính phức tạp về quản lý thì có thể bố trí thêm 1 phó trưởng thôn, 1 phó tổ dân phố. Các chức danh cấp phó này đều do trưởng thôn, tổ trưởng dân phố lựa chọn sau khi thống nhất với ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố. UBND cấp xã quyết định công nhận. Tuy nhiên, tại khoản 6, điều 2, Nghị định số 34 ngày 24-4-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đã quy định rõ: Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước và chỉ áp dụng đối với chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận. Những người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh nêu trên không được hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác. Từ các căn cứ này, Sở Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn việc bố trí chức danh phó trưởng thôn, tổ phó tổ dân phố ở những nơi cần thiết theo hình thức bố trí kiêm nhiệm và hưởng phụ cấp theo mức bồi dưỡng đối với người tham gia trực tiếp công việc tại thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết số 53 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, việc bố trí và thực hiện chế độ cho người giữ chức danh phó trưởng thôn, tổ phó tổ dân phố là khó khăn; vì thực tế hiện nay hầu hết các địa phương đang bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận theo chỉ đạo của cấp ủy các cấp; đồng thời việc thực hiện chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết của HĐND tỉnh hiện nay chưa có vì chưa có nguồn. Để bảo đảm chế độ ổn định cho người tham gia giữ các chức danh phó trưởng thôn, tổ phó tổ dân phố, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho ý kiến chỉ đạo nhằm sớm có căn cứ xây dựng quy định mức phụ cấp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh trong thời gian tới.
Cũng tại kỳ họp này, một số cử tri đã chất vấn về nội dung liên quan đến kinh phí hoạt động của MTTQ và các đoàn thể cơ sở, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố. Trả lời ý kiến chất vấn của cử tri, lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định, với kinh phí 5 triệu đồng/năm hoạt động của ban công tác mặt trận, được bố trí từ năm 2018 đến nay không thay đổi. Đây là khoản kinh phí phục vụ cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giao cho ban công tác mặt trận quản lý, sử dụng đúng mục đích trên, không dùng cho hoạt động khác thì vẫn hợp lý với điều kiện thực tế của tỉnh. Về giải quyết chế độ của cán bộ cơ sở theo Nghị quyết số 63, ngày 1-12-2021 của HĐND tỉnh thì toàn bộ các xã, phường, thị trấn sau khi đã hoàn thành sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố tiến hành lập danh sách những người không bố trí tiếp tục công việc để báo cáo về UBND cấp huyện. Trên cơ sở đó, đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí cho các địa phương chi trả cho những người không bố trí được công việc. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh mới có 4/10 huyện, thành phố tổng hợp danh sách những người không bố trí được công việc. UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương còn lại sớm tổng hợp danh sách để tỉnh chi trả cho các đối tượng đó theo quy định.
Sau kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri huyện Nam Trực đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ tăng phụ cấp cho lực lượng bán chuyên trách làm công tác thú ý tại cơ sở. Cử tri các huyện Xuân Trường và Trực Ninh kiến nghị UBND tỉnh xem xét chế độ phụ cấp cho chức danh chi hội trưởng Hội Người cao tuổi, tăng mức phụ cấp cho chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn. Cử tri huyện Ý Yên, Vụ Bản, Giao Thủy phản ánh, sau khi sáp nhập hiện nay vẫn còn nhiều thôn có từ 160 đến 200 hộ, con số này quá nhỏ; các chế độ phụ cấp đối với thôn loại 1, loại 2 chênh lệch khá lớn, đề nghị được điều chỉnh… Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp thu toàn bộ những phản ánh, ý kiến, kiến nghị của cử tri để tập hợp, phân nhóm phù hợp và sớm kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương, giải quyết kịp thời, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Xuân Thu