Quan tâm giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù
Thời gian qua, Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái nhập cộng đồng nêu rõ: Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong hình phạt tù.
Thời gian qua, Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái nhập cộng đồng nêu rõ: Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong hình phạt tù.
Thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 1544/QĐ-UBND ngày 16/8/2022 của UBND tỉnh), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh tổ chức phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng nhằm hạn chế thấp nhất số người vi phạm pháp luật hoặc tái phạm.
Theo đó, 2 đơn vị đã phối hợp tổ chức 2 phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm cho 243 người chấp hành xong án phạt tù tại TP Phủ Lý và huyện Thanh Liêm. Theo ông Đào Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đây là hoạt động thiết thực, với mong muốn chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, từng bước hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Đến với phiên giao dịch việc làm, người chấp hành xong án phạt tù được tư vấn, định hướng nghề nghiệp; giới thiệu việc làm miễn phí. Thông qua phiên giao dịch việc làm đã tạo cơ hội, tiền đề cho người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp nắm bắt được đầy đủ thông tin về nghề nghiệp, việc làm và được tiếp xúc, trao đổi với người tuyển dụng lao động, các đơn vị, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng lao động để tìm được việc làm phù hợp.
Tham dự phiên giao dịch việc làm dành cho người chấp hành xong án phạt tù tại xã Thanh Phong (Thanh Liêm) được tổ chức vào đầu tháng 3/2023, Nhà máy bao bì Hải Đăng, Khu công nghiệp Kim Bình (TP Phủ Lý) có nhu cầu tuyển dụng 45 - 50 lao động. Anh Phạm Văn Phúc, cán bộ Phòng Hành chính - Nhân sự Nhà máy cho biết: Nhà máy bao bì Hải Đăng hiện có 120 lao động. Chúng tôi sắp đưa thêm một nhà máy mới vào hoạt động nên có nhu cầu tuyển dụng lao động từ 18 đến 50 tuổi có sức khỏe tốt. Đối với công nhân dệt làm 9 tiếng, thu nhập từ 8-12 triệu đồng/tháng, với công nhân kéo sợi làm 12 tiếng, thu nhập đạt từ 9-15 triệu đồng/tháng sau học việc. Lao động chưa có tay nghề được đào tạo miễn phí và hưởng lương trong thời gian thử việc từ 5-8 triệu đồng/tháng. Số lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 30%, do đó, để công nhân yên tâm làm việc, nhà máy đang hoàn thiện khu ký túc xá 20 phòng dành cho người lao động ở xa và ngoại tỉnh. Làm việc tại nhà máy, các quyền lợi, phúc lợi cho người lao động về tham gia bảo hiểm xã hội, lương, thưởng, các chế độ khác được quan tâm thực hiện chu đáo. Đối với những người đã chấp hành xong án phạt tù, nhà máy cũng sẵn sàng tuyển dụng khi họ có nhu cầu và mong muốn một việc làm ổn định, phù hợp với điều kiện sức khỏe, từ đó giúp họ ổn định cuộc sống.
Để đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty May Thành Nam (huyện Thanh Liêm) có nhu cầu tuyển dụng thêm 50-100 lao động. Mức thu nhập của người lao động đạt từ 6,5-12 triệu đồng/người/tháng tùy theo vị trí, tay nghề. Theo ông Tạ Quốc Chính, Giám đốc điều hành công ty, phiên giao dịch việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù là hoạt động rất có ý nghĩa, giúp họ có cơ hội được tiếp cận trực tiếp với các nhà tuyển dụng để tìm kiếm một công việc phù hợp với mong muốn của mình. Ai cũng có thể mắc sai lầm, song điều quan trọng là họ nhận thức được cái sai để không tái phạm. Với những người có nhu cầu làm việc về lĩnh vực may mặc, công ty luôn tạo điều kiện, với lao động không có tay nghề, chúng tôi sẽ thực hiện đào tạo. Công ty có các chế độ, chính sách phù hợp để người lao động yên tâm làm việc, như: tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, thưởng tiền chuyên cần, trợ cấp xăng xe, thâm niên, tặng quà mỗi dịp lễ, Tết…
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tham dự phiên giao dịch việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng tại huyện Thanh Liêm có 8 doanh nghiệp trực tiếp tham gia tuyển dụng lao động và 2 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng gián tiếp với nhu cầu tuyển dụng 1.286 lao động. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động thuộc các lĩnh vực may mặc, dịch vụ bảo vệ, xây dựng, tài chính… đã trực tiếp phỏng vấn với các tiêu chí phù hợp khả năng, trình độ, chuyên môn và điều kiện của người chấp hành xong án phạt tù, mức lương ổn định từ 4,5 - 15 triệu đồng/người/tháng. Trong tổng số 185 người tham gia tại phiên giao dịch việc làm, có 108 người đăng ký tìm việc làm và 63 lao động được giới thiệu việc làm, 1 lao động đăng ký học nghề.
Chị Nguyễn Thị Hân, xã Thanh Phong (Thanh Liêm) cho biết, chị vừa chấp hành xong án phạt tù 11 năm vì tội mua bán, tàng trữ chất ma túy. Thời gian thụ án dài, chị trở về địa phương tìm việc cũng rất khó khăn. Được tham gia phiên giao dịch việc làm, chị đã nắm bắt đầy đủ thông tin về nghề nghiệp, việc làm và được trao đổi với người tuyển dụng lao động để tìm việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.
Tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù là một trong các biện pháp, điều kiện quan trọng làm giảm nguyên nhân, điều kiện tái phạm, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong án phạt tù, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo quy định của pháp luật, đặc biệt là tham mưu có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong tham mưu việc tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người chấp hành xong án phạt tù để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng với hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, sát tình hình thực tế nhằm từng bước giảm sự thành kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử và nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, huy động sự tham gia tự giác, tự nguyện của cộng đồng xã hội trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.