Quan tâm hỗ trợ người lao động

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 của Chính phủ được ban hành mang ý nghĩa nhân văn hết sức lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có xu hướng kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đời sống. Theo đó, có khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch này sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.

Chính sách & Cuộc sống

Thời gian qua, các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đã được thể hiện trong những chỉ đạo, quyết sách của Đảng, Nhà nước và đã được Chính phủ, các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành thảo luận kỹ lưỡng tại các phiên họp thường kỳ, đột xuất. Nội dung Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau phiên họp bất thường mới đây nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành một số biện pháp, chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cơ bản nhất trí với các nguyên tắc hỗ trợ như Chính phủ trình để ban hành các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý: Chỉ hỗ trợ cho đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19; bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công bằng, công khai, minh bạch. Hơn nữa, cùng chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, cộng đồng xã hội và người dân; bảo đảm khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, không để xảy ra tình trạng ban hành chính sách nhưng không có nguồn lực để thực hiện. Bảo đảm việc hỗ trợ không trùng lặp cho đối tượng thụ hưởng (bao gồm cả chính sách đang thực hiện của địa phương nếu có) với nguyên tắc chỉ hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất…

Liên quan bảy nhóm đối tượng được hỗ trợ trong nghị quyết, các chuyên gia cho rằng cần rà soát kỹ, không bỏ sót và trùng lặp đối tượng lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động, dễ bị mất việc làm. Nhóm này được dự báo sẽ ngày càng đông do đại dịch kéo dài, khả năng không kiếm được việc làm cao, gặp nhiều khó khăn nhưng lại không dễ dàng xác định, phân loại đối tượng do nhóm này di cư nhiều nơi, làm nhiều nghề, chỗ ở không ổn định… Do đó, để tránh bỏ sót, không trùng lặp đối tượng, các địa phương cần vào cuộc tích cực, phối hợp triển khai rà soát đối tượng lao động tự do. Theo các chuyên gia, trong nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên được thụ hưởng chính sách là người bán hàng rong, lao động thu gom rác, người làm nghề bốc vác, người bán vé số lưu động, người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú… Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, một bộ phận lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn bị tác động sâu, nhưng không nằm trong diện đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, diện bảo trợ xã hội cũng cần được chính quyền địa phương nghiên cứu, xem xét, tổng hợp. Trong quá trình các địa phương rà soát các đối tượng thụ hưởng cũng cần quan tâm người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp đã chuyển đổi thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và những cơ sở giáo dục ngoài công lập. Hiện tại, đời sống của những đối tượng này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Có thể nói, việc triển khai gói an sinh xã hội đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực, chủ động của tất cả các bên liên quan, theo tinh thần nhất quán không để ai bị bỏ lại phía sau. Muốn đạt được mục tiêu này thì việc triển khai cần linh hoạt, hiệu quả, phù hợp đặc thù từng địa phương. Do vậy, trước hết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhanh chóng phối hợp các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương, cơ quan bảo trợ xã hội thống nhất việc hỗ trợ theo quy định. Trong đó, cần xây dựng rõ tiêu chí thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm xác định, khoanh vùng các nhóm đối tượng, nhất là nhóm lao động tự do. Tiêu chí này cũng cần rõ ràng từng ngành, nghề, lĩnh vực, địa phương.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện hỗ trợ đối tượng lao động tự do, chính quyền địa phương cần nhanh chóng nắm rõ, phân loại các đối tượng thuộc các nhóm đối tượng được hỗ trợ, nhất là rà soát, tránh sót lọt các đối tượng này trên địa bàn. Sau khi đã tiến hành tổng hợp, thống kê, lên danh sách, thì danh sách này cần được công khai để người dân được biết. Để mỗi người dân sẽ là một kênh giám sát, bảo đảm sự công bằng, tính minh bạch cao nhất trong cộng đồng dân cư, tránh lợi dụng, trục lợi chính sách, lợi dụng chính sách hỗ trợ tràn lan, hoặc để xảy ra các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực trong quá trình triển khai. Vấn đề quan trọng khác là cần làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng để toàn dân được biết nghị quyết, nhất là những đối tượng được thụ hưởng để họ biết quyền lợi, trách nhiệm của mình. Ngoài ra, các địa phương cần đánh giá mức độ ảnh hưởng lao động tự do trên cơ sở theo dõi sát sao diễn biến thị trường lao động trong thời gian tới.

THÙY MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44212302-quan-tam-ho-tro-nguoi-lao-dong.html