Quan tâm hơn 'sức khỏe' doanh nghiệp

Phát biểu tại hội trường ngày hôm qua về tình hình kinh tế - xã hội, một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, đó là tình hình 'sức khỏe' - hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Các đại biểu quan tâm, lo lắng bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Theo số liệu năm 2023, có 172,6 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022; trong 4 tháng đầu năm 2024 có 86,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023. Dẫn số liệu này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, một đất nước cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nước đó. Với một thực trạng như trên cho chúng ta thấy một thực tế hết sức đáng suy ngẫm!

Không chỉ đại biểu Nguyễn Hữu Thông mà nhiều đại biểu khác cùng chung nỗi niềm này. Bởi đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, chúng ta ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều đó cho thấy, “sức khỏe” của doanh nghiệp đang yếu dần.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc vào nhu cầu thương mại của những nước nhập khẩu. Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, hậu quả của dịch Covid-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về năng lực nội tại của không ít doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai của chúng ta còn vướng mắc, bất cập, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng, nấc. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn khó khăn. Đó là chưa kể công tác dự báo tình hình, khảo sát, đánh giá thực trạng về những hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ khi thực thi nhiệm vụ. Chính rào cản vô hình này đã dẫn đến công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính kéo dài, do việc lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan. Điều này đã làm gia tăng chi phí thời gian cho doanh nghiệp, giảm cơ hội thu hút đầu tư…

Thực tế cho thấy, ở thời điểm này, chỉ có những doanh nghiệp đủ tiềm năng về mặt tài chính lẫn sức mạnh về khoa học công nghệ mới chống chọi được. Vẫn biết rằng, các doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường là những doanh nghiệp không đủ “sức khỏe”. Tuy vậy, chúng ta cũng cần coi những doanh nghiệp đang suy kiệt này là “những viên gạch đặt nền móng cho hạ tầng kinh tế vĩ mô” và cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để bảo vệ, duy trì nhằm tạo ra những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ xã hội.

Muốn bảo vệ, duy trì được doanh nghiệp, đòi hỏi Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về “sức khỏe” của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cần chỉ rõ thuộc ngành nghề nào, quy mô doanh nghiệp nào? Nguyên nhân chính do đâu?

Để bảo vệ doanh nghiệp trước cú sốc hậu Covid-19 và hạn chế tình trạng doanh nghiệp rời thị trường, đòi hỏi cần có những giải pháp hữu hiệu hơn. Theo đó, cần thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của doanh nghiệp ở thị trường trong nước, trong đó tăng cường vai trò của các chính sách như: miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó là tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi các chính sách hỗ trợ này.

Chính sách hỗ trợ nguồn vốn đối với doanh nghiệp là cần thiết, nhưng sẽ là chưa đủ nếu như chúng ta chưa thực sự tạo được môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng. Do đó, cần có giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách triệt để. Qua đó, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao sức mạnh nội tại của mình. Theo đó, doanh nghiệp chủ động đổi mới tiếp cận, khai thác thị trường, sản phẩm, dịch vụ. Nâng cao năng lực quản trị, trong đó đầu tư vào xây dựng nhân lực đáp ứng với hội nhập quốc tế và yêu cầu thực tiễn.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/quan-tam-hon-suc-khoe-doanh-nghiep-i373313/