Quan tâm mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển địa phương
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Đảng, Nhà nước ta, những năm qua, Thừa Thiên Huế đã quan tâm phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, xem đây là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết:
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, năm 2023, Sở Ngoại vụ tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ công tác ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế nhằm đưa công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh ngày càng đa dạng, đi vào chiều sâu, tranh thủ các nguồn viện trợ, đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác kết nghĩa với các nước, vùng và các tổ chức quốc tế.
Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác ngoại giao của tỉnh Thừa Thiên Huế?
Lĩnh vực ngoại giao chính trị đã và đang góp phần tích cực trong việc nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế trên trường quốc tế. Với nỗ lực phục hồi kinh tế mạnh mẽ, Thừa Thiên Huế vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của các đoàn khách quốc tế là các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các công ty, doanh nghiệp nước ngoài, các địa phương, vùng, miền trên thế giới có quan hệ hợp tác, hữu nghị với tỉnh.
Năm 2023, tỉnh đã đón tiếp 852 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại địa phương, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Qua tiếp xúc, làm việc hầu hết các đoàn quốc tế ủng hộ rất cao định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; cam kết đồng hành, phối hợp hỗ trợ cùng tỉnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng tái tạo, chuyển đổi số; phát triển giao thông xanh; đô thị thông minh... Chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ; bảo tồn di sản; môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác.
Trong hoạt động giao lưu hợp tác hữu nghị với các địa phương trên thế giới và ký kết, thực hiện các thỏa thuận quốc tế, tỉnh đã tạo được khuôn khổ quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài và đan xen lợi ích với tất cả các nước láng giềng, khu vực; chú trọng nhiều đến việc duy trì và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại, du lịch, đầu tư với các nước. Sở Ngoại vụ đã chủ trì xúc tiến và hỗ trợ các cơ quan, ban, ngành, địa phương thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các đối tác thuộc 44 quốc gia trên cả 5 châu lục, tạo tiền đề và cơ sở cho hợp tác toàn diện về KT-XH.
Vậy các hoạt động đối ngoại Nhân dân và ngoại giao văn hóa thì thế nào, thưa ông?
Hoạt động đối ngoại Nhân dân không ngừng được đổi mới, ngày càng trở nên toàn diện và đi vào chiều sâu. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác; xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau giữa Nhân dân Việt Nam nói chung và Nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng với bạn bè quốc tế.
Lĩnh vực ngoại giao văn hóa tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, tăng cường quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế đến bạn bè quốc tế thông qua việc tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa. Tăng cường đa dạng hình thức, sự kiện ngoại giao văn hóa hướng đến giới thiệu văn hóa các quốc gia với người dân Thừa Thiên Huế và quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Huế với bạn bè thế giới thông qua các hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước.
Lĩnh vực ngoại giao kinh tế, nhất là công tác vận động các nguồn vốn viện trợ hợp tác phi chính phủ nước ngoài được thực hiện như thế nào để đảm bảo vấn đề phát triển KT-XH, an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh?
Về ngoại giao kinh tế, tỉnh đã tập trung thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế; tranh thủ các diễn đàn song phương, đa phương để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá về tiềm năng phát triển của Thừa Thiên Huế, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được bước tiến quan trọng.
Về ODA, hiện có 9 dự án ODA triển khai trên địa bàn tỉnh. Dự ước đến cuối năm 2023, khối lượng thanh toán vốn nước ngoài của các dự án ODA là gần 1.000 tỷ đồng. Về FDI, đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 132 triệu USD (tương đương 3.150 tỷ đồng). Về NGO, công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh đã phê duyệt tiếp nhận 34 khoản viện trợ có tổng mức đầu tư hơn 4,439 triệu USD. Nhờ đó, tạo động lực cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững cùng cả nước.
Định hướng trong công tác đối ngoại và quản lý biên giới trong thời gian tới, thưa ông?
Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay, ngoại giao kinh tế được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, là động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Với phương châm “đột phá - mở đường; tham mưu, cung cấp thông tin; song hành - hỗ trợ; đôn đốc triển khai”, thời gian tới, Sở Ngoại vụ tích cực phối hợp với các Vụ, Cục thuộc Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành triển khai nhiều hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Tập trung đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy triển khai các cam kết, các dự án, chương trình hợp tác của tỉnh và các đối tác quốc tế một cách hiệu quả và thực chất; đẩy mạnh công tác ngoại giao đa phương; chủ động tìm hiểu và xác lập quan hệ hợp tác quốc tế có trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu.
Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ, tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Coi trọng và giữ vững mối quan hệ đặc biệt với các tỉnh Nam Trung Lào. Duy trì, đưa vào chiều sâu quan hệ hợp tác cấp địa phương với các đối tác truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, một số vùng của Pháp và các nước châu Âu, Hoa Kỳ…; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới trên các lĩnh vực ưu tiên của địa phương.
Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và sáng tạo hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; tranh thủ, tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài để chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức về khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, đặc biệt chú trọng tìm kiếm cơ hội thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Tranh thủ sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy ngoại giao phát triển kinh tế, với mục tiêu tăng cường và khai thông cầu nối với các nhà đầu tư tiềm năng.
Đẩy mạnh triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa; chú trọng đến các hoạt động ngoại giao văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế. Gắn kết công tác ngoại giao văn hóa với kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Tích cực củng cố và tăng cường quan hệ, vận động kiều bào nói chung, kiều bào gốc Thừa Thiên Huế nói riêng hướng về quê hương, tham gia đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Làm tốt công tác lãnh sự và bảo hộ công dân; quản lý vấn đề di cư theo đúng quy định.