Quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số

Việc nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của địa phương, tỉnh đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người DTTS phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Nhờ vậy, đội ngũ CBCCVC, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS cấp tỉnh, cấp huyện được bổ sung, kiện toàn; chất lượng, năng lực lãnh đạo, quản lý được nâng lên. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS ở các cơ quan, đơn vị cơ bản đảm bảo theo lộ trình. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng được nâng lên. Nhiều đồng chí được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được phân công, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Phan Thanh (Nguyên Bình) là một trong những xã có trên 91% người dân là đồng bào DTTS. Những năm qua, xác định đội ngũ CBCCVC người DTTS đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị của xã, Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện, khuyến khích CBCCVC tăng cường học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo các tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cơ sở. Bí thư Đảng ủy xã Phan Thanh Đàm Thị Điệp cho biết: Cán bộ, công chức xã có 17 người, cơ bản đều là DTTS. Để đảm bảo đội ngũ cán bộ có năng lực, đạt tiêu chuẩn về trình độ, Đảng ủy xã sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức xã tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn và trình độ lý luận. Xã chọn cử 3 đồng chí tham gia học trung cấp lý luận để đảm bảo đạt tiêu chuẩn về cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2025 - 2030. Hằng năm, cử cán bộ đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, trong đó, chọn cử 4 đồng chí cán bộ không chuyên trách xã học lớp sơ cấp lý luận tại huyện, cử 2 đồng chí học trung cấp lý luận trong năm 2024. Hiện cơ bản cán bộ không chuyên trách đều có trình độ lý luận sơ cấp, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp trưởng các đoàn thể có trình độ chuyên môn là đại học và trung cấp lý luận trở lên. Có trình độ, năng lực, nhiều cán bộ của xã dám nghĩ, dám làm, thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân và thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Vai trò của CBCCVC, đặc biệt là CBCCVC người DTTS luôn được xem là một khâu quan trọng và có tính quyết định. Bởi CBCCVC người DTTS là người thông thạo địa bàn, am hiểu tâm lý, phong tục, tập quán, văn hóa, gần gũi, gắn bó với đồng bào các dân tộc, từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu, vận động và tuyên truyền, giúp đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có khả năng nắm bắt đời sống và nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Công tác luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số ở huyện Nguyên Bình được thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Công tác luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số ở huyện Nguyên Bình được thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Hiện, toàn tỉnh có 19.802 CBCCVC người DTTS. Hằng năm, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch, chức danh, ngoại ngữ, tin học, quốc phòng - an ninh... Từ năm 2019 đến nay, có 75.094 lượt CBCCVC người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ 3.377 lượt người, đào tạo lý luận chính trị 3.948 lượt người, bồi dưỡng quản lý nhà nước 3.024 lượt người, bồi dưỡng kiến thức về tin học, ngoại ngữ, quốc phòng - an ninh và các kỹ năng, nghiệp vụ khác 64.745 lượt người. Đến nay, trình độ đào tạo trên đại học của CBCCVC người DTTS chiếm 5,63%, trình độ đào tạo đại học chiếm 76,33%, trình độ đào tạo cao đẳng chiếm 10,6%, trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống chiếm 7,47%, giảm 21,23% so với năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND xã Nội Thôn (Hà Quảng) Dương Văn Quân chia sẻ: Trong quá trình công tác, tôi được cấp ủy, lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện tham gia nhiều lớp học tập, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ CBCCVC người DTTS, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt đã phát huy năng lực, sở trường, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cùng với quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng cũng được các cấp quan tâm thực hiện tốt. Việc tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS được các cơ quan, đơn vị thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Từ tháng 1/2019 - 30/6/2024, số công chức, viên chức người DTTS toàn tỉnh được tuyển dụng 1.411/1.496 người (chiếm 94,3%), trong đó, tuyển dụng 7 công chức, viên chức là người DTTS theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Từ năm 2021 đến nay, tổ chức tuyển dụng vào công chức 5/12 chỉ tiêu dành riêng cho người DTTS ít người, góp phần nâng cao tỷ lệ công chức, viên chức là người DTTS ít người tham gia công tác tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Các cơ quan, đơn vị bố trí, sử dụng đội ngũ CBCCVC người DTTS đảm bảo số lượng, chức vụ, chức danh, cơ cấu độ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, phù hợp trình độ chuyên môn, sở trường. Từ năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quy hoạch 7.352 lượt; bổ nhiệm, bầu cử, phê chuẩn 2.686 lượt; đánh giá trên 95.000 lượt CBCCVC người DTTS... Đội ngũ CBCCVC người DTTS giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý hiện chiếm tỷ lệ khá cao: Lãnh đạo diện Ban Bí thư quản lý 2/3 người (chiếm 67%), lãnh đạo cấp sở, ngành 104/126 người (chiếm 83%), lãnh đạo cấp huyện 96/115 người (chiếm 83,5%), lãnh đạo cấp phòng và tương đương cấp tỉnh, huyện 958/1.118 người (chiếm 85,7%).

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/quan-tam-nang-cao-chat-luong-can-bo-nguoi-dan-toc-thieu-so-3172767.html