Quan tâm nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên
Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng, hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa xét xử án hình sự, góp phần bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng, hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa xét xử án hình sự, góp phần bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Hậu, TUV, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và chỉ thị, kế hoạch của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện KSND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng sâu sát, kịp thời và linh hoạt; tăng cường ký kết, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, trên cơ sở vận dụng các quy định của thông tư liên tịch để thống nhất đường lối giải quyết, hạn chế các trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt của Viện Kiểm sát. Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện KSND tỉnh luôn theo dõi chặt chẽ các vụ án và có hướng chỉ đạo kịp thời; nhất là đối với các vụ án phức tạp, chủ động họp liên ngành để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thống nhất quan điểm xử lý nhằm đảm bảo vụ án được khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm hay oan sai. Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Viện KSND tỉnh thường xuyên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật mới, cử kiểm sát viên tham dự các lớp tập huấn chuyên sâu về hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa do Viện KSND Tối cao tổ chức. Mặt khác, việc tự đào tạo, rèn luyện kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên cũng được quan tâm thực hiện. Viện KSND 2 cấp đã triển khai và thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm” theo Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27-4-2020 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao và thực hiện đồng bộ các giải pháp chống oan sai và bỏ lọt tội phạm như: Kiểm sát viên theo sát, nắm chắc tiến độ điều tra, chủ động, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra; tham gia hoặc trực tiếp hỏi cung bị can trong quá trình điều tra hoặc trước khi truy tố (đạt 100%), tham gia đầy đủ các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Đặc biệt, thực hiện tinh thần cải cách tư pháp và để từng bước nâng cao năng lực tranh tụng cũng như bản lĩnh nghề nghiệp của kiểm sát viên trong toàn ngành, Viện KSND 2 cấp đã phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp nhằm giúp cho cán bộ, kiểm sát viên tham dự, rút kinh nghiệm học tập. Giao chỉ tiêu mỗi năm, kiểm sát viên phải tham gia ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm rèn luyện kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa. Tại phiên tòa rút kinh nghiệm có mời lãnh đạo Viện KSND tỉnh, kiểm sát viên các phòng nghiệp vụ thuộc Viện KSND tỉnh tham dự, sau mỗi phiên tòa đều tổ chức họp các cơ quan tiến hành tố tụng để chỉ ra những ưu điểm cần phát huy và những hạn chế cần khắc phục để rút kinh nghiệm chung. Kiểm sát viên Nguyễn Thị Thu Hồng, Trưởng Phòng 7, Viện KSND tỉnh cho biết: “Việc rút kinh nghiệm thông qua tổ chức theo dõi, tham dự các phiên tòa đã giúp kiểm sát viên đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự kiến các nội dung tranh luận đến tham gia xét hỏi, tranh luận với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Đó là cơ sở quan trọng bảo đảm việc tranh tụng tốt tại phiên tòa”. Bên cạnh đó, sau phiên tòa kiểm sát viên còn được đồng nghiệp góp ý về những ưu điểm, tồn tại, hạn chế thiếu sót khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa như: Kiểm sát trình tự thủ tục bắt đầu phiên tòa, đọc cáo trạng, kỹ năng xét hỏi, tranh luận, kỹ năng luận tội, cách xử lý của kiểm sát viên trước những tình huống phát sinh tại phiên tòa…, qua đó để kiểm sát viên rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tranh tụng. Hay việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phiên tòa trực tuyến của Viện KSND 2 cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng giúp kiểm sát viên toàn ngành nắm chắc những quy định về tổ chức, các tiêu chí lựa chọn tổ chức phiên tòa trực tuyến, trách nhiệm của Viện Kiểm sát và các cơ quan tổ chức liên quan... Ngoài ra Viện KSND 2 cấp tỉnh cũng đang từng bước đẩy mạnh thực hiện việc số hóa hồ sơ một số vụ án phục vụ việc xét hỏi tranh luận tại phiên tòa để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các kiểm sát viên, kiểm tra viên, cán bộ trong ngành, qua đó nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.
Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của kiểm sát viên ngành KSND tỉnh được nâng lên rõ rệt. Các vụ án đưa ra xét xử đều đảm bảo việc thực hiện tranh tụng tại phiên tòa chất lượng, đầy đủ đúng quy định không để oan sai xảy ra. Nhiều vụ án có nhiều bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều luật sư tham gia bào chữa, bị cáo không nhận tội..., kiểm sát viên tranh luận, đối đáp, lập luận chặt chẽ, viện dẫn chứng cứ, căn cứ vững chắc đề nghị tội danh, điều luật áp dụng và mức hình phạt phù hợp đúng quy định pháp luật, bác bỏ những lập luận không có căn cứ mà bị cáo và luật sư bào chữa hoặc những người tham gia tố tụng đưa ra. Năm 2022, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 1.231 vụ 1.993 bị cáo, đã giải quyết 1.036 vụ 1.676 bị cáo, trong đó xét xử 1.031 vụ 1.671 bị cáo, đình chỉ 3 vụ 3 bị cáo, tạm đình chỉ 2 vụ 2 bị cáo. Kiểm sát xét xử theo trình tự phúc phúc thẩm 96 vụ 139 bị cáo, đã giải quyết 86 vụ 127 bị cáo, trong đó xét xử 56 vụ 91 bị cáo, đình chỉ 30 vụ 36 bị cáo; tổ chức 196 phiên tòa rút kinh nghiệm, 36 phiên tòa trực tuyến. Kết quả trên đã góp phần giúp ngành KSND tỉnh hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo các nghị quyết chuyên đề của Quốc hội và của ngành giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay./.
Bài và ảnh: Văn Trọng