Quan tâm nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số

Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Dự án 7 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) (viết tắt là Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, bước đầu có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy sự phát triển KT-XH ở địa phương.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng trẻ em cho phụ nữ ở xã Húc, huyện Hướng Hóa -Ảnh: TTYTHH

Tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng trẻ em cho phụ nữ ở xã Húc, huyện Hướng Hóa -Ảnh: TTYTHH

Đồng bào DTTS&MN ở Quảng Trị tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, một số ít ở huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào vùng này còn gặp nhiều khó khăn nên họ ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho bản thân, gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi.

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG 1719, hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch và phân bổ vốn cho các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở Y tế xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các phòng và đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện.

Đến nay, các hoạt động của Dự án 7 được triển khai khá đồng bộ ở các địa phương. Tại các huyện nằm trong dự án, UBND các cấp đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai Dự án 7 tại địa phương để các ngành, đơn vị liên quan có cơ sở thực hiện.

Đến nay, các địa phương đã triển khai được khá nhiều hoạt động CSSK, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, trẻ em; nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS như: triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời. Tư vấn, hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi tại cộng đồng.

Tổ chức các buổi hướng dẫn trình diễn thức ăn cho trẻ dựa trên các sản phẩm, thực phẩm tại địa phương. Mua sản phẩm dinh dưỡng cấp cho trẻ trên 6-23 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng tại các xã đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ thực hiện các gói dịch vụ CSSK bà mẹ, trẻ em như: mua sắm cung cấp que thử 3 bệnh CGB, HIV, giang mai cho phụ nữ mang thai tại các xã vùng dự án; khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi (1 lượt/trẻ/năm); hỗ trợ cán bộ y tế và cô đỡ thôn, bản chăm sóc cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà; tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề về CSSK bà mẹ trước trong và sau đẻ.

Bên cạnh đó, tổ chức các đợt chiến dịch, hội nghị tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về CSSK, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng truyền thông cho y tế thôn, bản để triển khai hiệu quả các can thiệp CSSK bà mẹ, trẻ em và dinh dưỡng...

Để nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN, ngành y tế - dân số các huyện đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của dự án, trong đó chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín như già làng, trưởng bản, trưởng thôn. Tổ chức các hoạt động phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Tuyên truyền phổ biến kiến thức cơ bản về CSSK người cao tuổi (NCT); hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức; thành lập mô hình câu lạc bộ “NCT giúp NCT dựa vào cộng đồng”. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tư vấn, khám sức khỏe cho NCT. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở NCT. Phòng, chống bệnh Thalassemia tại vùng đồng bào DTTS&MN. Tổ chức tiêm chủng ngoài trạm...

Theo thông tin từ của Sở Dân tộc và Tôn giáo, từ năm 2022 - 2/2025, vốn ngân sách trung ương và HĐND tỉnh phân bổ để thực hiện 3 nội dung chính của Dự án 7 là 9.635 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Các hoạt động triển khai gồm: Xây dựng và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN và CSSK, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS. Đến nay, kết quả giải ngân đạt 87%.

Nhìn chung, các chỉ tiêu kế hoạch của giai đoạn hầu như đều đạt. Tỉ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ) tăng. Tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế tăng. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm. Hoạt động truyền thông, tư vấn và vận động người dân thuộc vùng DTTS&MN đã tác động mạnh mẽ đến công tác CSSK sinh sản, chăm sóc dinh dưỡng, thông qua can thiệp trực tiếp từ khi bà mẹ mang thai, nuôi con trong 1.000 ngày đầu đời.

Đội ngũ nhân lực được phát triển thông qua các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tại các tuyến. Các gói dịch vụ CSSK bà mẹ, trẻ em đã được triển khai đến tận đối tượng thụ hưởng. Tổ chức được các điểm tiêm chủng ngoài trạm tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận, đi lại khó khăn trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên từ trước và trong giai đoạn 2021-2025. Tại thời điểm năm 2024, đã tổ chức được 33 điểm tiêm chủng ngoài trạm, hỗ trợ điểm tiêm chủng ngooài trạm với 617 lượt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Dự án 7 còn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Dự án 7, Chương trình MTQG 1719; đề ra các giải pháp trọng tâm nhằm triển khai có hiệu quả. Kỳ vọng, Dự án 7 sẽ tiếp tục góp phần cải thiện được tỉ lệ suy dưỡng ở trẻ em; đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, qua đó cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quan-tam-nang-cao-the-trang-tam-voc-nguoi-dan-toc-thieu-so-193279.htm