Lên phương án ứng phó dịch bệnh trong mùa hè và các kỳ nghỉ lễ

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, tại các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025. Gần nhất là dịp nghỉ lễ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5 và cao điểm du lịch hè...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh có vaccine phòng bệnh (sởi, ho gà...), bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A(H5N1) tiếp tục ghi nhận và bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới.

NGUY CƠ DỊCH BỆNH GIA TĂNG TRONG MÙA HÈ

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, bệnh sởi vẫn tiếp tục ghi nhận số mắc cao ở nhóm trẻ em từ 11-15 tuổi tại một số tỉnh, thành phố; đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H5N1) trên người. Một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương.

Trong thời gian tới là mùa hè với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm du lịch hè 2025 sắp tới, với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Vì vậy, để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, tại các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường rà soát, quản lý, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng.

Đồng thời, bố trí kinh phí, đảm bảo nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, và công tác tiêm chủng mở rộng năm 2025, bao gồm ngân sách để triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

Sở Y tế các địa phương kkhẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức ngay chiến dịch tiêm chủng vacicne phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3 trên địa bàn, ngay sau khi được cung ứng vaccine và hoàn thành việc tiêm chủng lần 1 trước ngày 30/4/2025, lần 2 trước ngày 15/5/2025.

Căn cứ điều kiện thực tế và đặc thù tại địa phương để áp dụng các hình thức tiêm chủng phù hợp, như tiêm chủng tại nhà, tiêm chủng tại trường học, tiêm chủng lưu động.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm, hoặc chưa được tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và cập nhật đầy đủ thông tin tiêm chủng của trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Theo đề nghị của Bộ Y tế, các địa phương cần xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trong mùa hè, tại các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025, gần nhất là dịp nghỉ lễ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5 và cao điểm du lịch hè 2025.

Đảm bảo công tác tiêm chủng để phòng bệnh cho các đối tượng có nguy cơ cao. Ảnh minh họa: Tuấn Dũng.

Đảm bảo công tác tiêm chủng để phòng bệnh cho các đối tượng có nguy cơ cao. Ảnh minh họa: Tuấn Dũng.

Cùng với đó, chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao (dại, cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bạch hầu…).

Sở Y tế cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur chủ động thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người bệnh điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...

Thường xuyên rà soát, đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực,... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch, tập trung vào khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa phương chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp; đồng thời, chủ động hỗ trợ tuyến dưới trong phòng, chống dịch.

Bộ Y tế lưu ý, các Sở Y tế cần đảo đảm hoạt động thông suốt, không để gián đoạn làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng sau khi nhập sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế ở các cấp.

Trước và trong khi sắp xếp tổ chức bộ máy, tài liệu và cơ sở dữ liệu về bệnh truyền nhiễm, công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng phải được tiếp tục bảo quản, lưu trữ theo đúng quy định, không được làm hỏng, thất lạc trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đầu mối phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện phân bổ ngay vaccine sởi cho các tỉnh, thành phố để triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng.

Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi, kịp thời điều phối, phân bổ vaccine giữa các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phụ trách, và thường xuyên giám sát, hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức triển khai.

Triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ các loại vaccine.

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/len-phuong-an-ung-pho-dich-benh-trong-mua-he-va-cac-ky-nghi-le.htm