Quan tâm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp

Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng công đoàn ngày càng vững mạnh và thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao đổi với đoàn viên CĐCS Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc, huyện Mai Sơn.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao đổi với đoàn viên CĐCS Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc, huyện Mai Sơn.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập 4 tổ chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trực tiếp xuống tận nơi doanh nghiệp đóng để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thành phố quan tâm công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở làm cơ sở phát triển đảng trong các doanh nghiệp; định kỳ báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời. Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, Công đoàn các ngành xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo chỉ tiêu Liên đoàn Lao động tỉnh giao...

Trong 5 năm (2018-2023), toàn tỉnh thành lập mới được 41 công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước, bình quân mỗi năm thành lập được 8 CĐCS khu vực ngoài Nhà nước. Ông Vàng A Lả, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Chỉ tiêu đăng ký “Phấn đấu 100% doanh nghiệp có từ 15 lao động thành lập được CĐCS” đang rất khó thực hiện. Một số đơn vị chưa tích cực thực hiện, chưa đầu tư thỏa đáng và chưa hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu được giao về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Trong nhiệm kỳ có 2 đơn vị không thành lập được công đoàn cơ sở nào là LĐLĐ huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai, hai đơn vị cũng là điểm trắng về công đoàn cơ sở doanh nghiệp.

Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là công tác điều tra, khảo sát xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở nhiều nơi chưa sát với tình hình thực tế, thiếu tính dự báo, công tác thống kê, báo cáo chưa kịp thời, chưa đúng yêu cầu. Bên cạnh đó, do kinh tế của tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 trong hai năm, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động và giải thể, doanh nghiệp khu vực nhà nước tiếp tục giảm sau cổ phần hóa, dẫn đến số lượng công nhân lao động và đoàn viên có nhiều biến động, không ổn định...

Qua khảo sát, trên địa bàn toàn tỉnh đang có 1.302 doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở với 5.304 lao động. Trong đó, 673 doanh nghiệp có sử dụng từ 5 lao động trở lên với 3.929 lao động. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ, mang tính chất hộ gia đình, năng lực sản xuất yếu, hoạt động theo mùa vụ. Các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất tại Sơn La chủ yếu là các tập đoàn kinh tế đã có tổ chức công đoàn, CĐCS trực thuộc các Công đoàn ngành Trung ương như TH True milk, Công ty sữa Mộc Châu, Công ty Thủy điện, Công ty Cao su... Dự báo số lượng CNVCLĐ trong tỉnh thời gian tới sẽ tăng, tuy nhiên đối tượng để Công đoàn Sơn La tuyên truyền, vận động ra nhập tổ chức công đoàn sẽ không đáng kể. Bên cạnh đó, đoàn viên Công đoàn tỉnh Sơn La hiện nay chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 89% tổng số đoàn viên) khi tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện giảm 10% biên chế cho giai đoạn 2023-2026 thì số lượng đoàn viên là công chức, viên chức cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Ông Vàng A Lả, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết thêm: LĐLĐ tỉnh tích cực chỉ đạo gắn việc tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn với việc giải quyết, đáp ứng tốt nhất tâm tư, ý kiến của người lao động; lấy việc tìm hiểu, giải đáp thỏa đáng tâm tư, quyền lợi hợp pháp, chính đảng của người lao động là yếu tố căn bản để người lao động thấy vai trò, tác dụng của tổ chức công đoàn trong đời sống tinh thần của đông đảo người lao động.

Quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp công đoàn đem lại nhiều tiện ích cho người lao động là đoàn viên công đoàn; nâng cao hiệu quả cập nhập thông tin lên phần mềm quản lý đoàn viên; tạo chuyển biến người lao động khi tham gia công đoàn được hưởng nhiều lợi ích vật chất, tinh thần hơn so với người lao động chưa tham gia công đoàn; đó là cơ sở quan trọng để thu hút đông đảo người lao động tham gia công đoàn.

Xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp quyết liệt, trong đó quan tâm đầu tư nhân lực và kinh phí thỏa đáng cho công tác khảo sát doanh nghiệp, tổ chức tuyên truyền, vận động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt. Coi trọng và tích cực đầu tư cho công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách được giao trực tiếp làm nhiệm vụ phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh...

Bài, ảnh: Phong Lưu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/quan-tam-phat-trien-doan-vien-thanh-lap-cong-doan-co-so-trong-doanh-nghiep-BhDkvOOIg.html