Quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó có lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh ta đã có những chuyển biến rõ nét.

Trường THCS Nậm Lầu, huyện Thuận Châu được đầu tư xây dựng khang trang.

Trường THCS Nậm Lầu, huyện Thuận Châu được đầu tư xây dựng khang trang.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu có 1 điểm trường chính ở trung tâm và 5 điểm trường lẻ tại các bản, với tổng số 715 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trước thềm năm học mới 2024-2025, trường được đầu tư trên 6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719) xây dựng nhà lớp học, bếp ăn, phòng ở.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chiềng Khừa, phấn khởi nói: Chuẩn bị cho năm học mới, trường đã huy động giáo viên, nhân viên dọn vệ sinh các phòng học mới, chuẩn bị các vật dụng tại nhà ăn, nơi ở bán trú, đảm bảo các điều kiện đón học sinh tựu trường. Cơ sở vật chất khang trang, giúp thầy và trò yên tâm, nâng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

Hiện nay, toàn tỉnh có 521 trường học vùng đồng bào DTTS, với trên 309.000 học sinh DTTS. Với sự quan tâm của các cấp, hệ thống trường, lớp học được củng cố, 100% số xã có trường học được đầu tư xây dựng và các điểm trường từ bậc mầm non đến THCS. Hằng năm, chính sách hỗ trợ học tập đối với học sinh DTTS được ngành Giáo dục và các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giáo viên tiểu học dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 214 trường và 781 điểm trường có bậc tiểu học xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS; 70% số trường có thư viện đạt chuẩn; 100% trường tiểu học kết nối mạng internet; 78.000 học sinh tiểu học được tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng độ tuổi.

Huyện Sông Mã có 50 trường mầm non, tiểu học, tiểu học và THCS, 342 điểm trường; học sinh DTTS chiếm 87%. Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, thông tin: Phòng chỉ đạo các trường khuyến khích các thầy, cô giáo phát huy sáng kiến về tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Thường xuyên giao tiếp với học sinh bằng tiếng Việt; tạo không gian lớp học, khuôn viên sân trường có nhiều chữ, tiếng Việt, giúp học sinh DTTS

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc được quan tâm. Năm học 2023-2024, Trung tâm GDTX đã tỉnh tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho 786 học viên, trong đó 309 chứng chỉ tiếng dân tộc Mông, 477 chứng chỉ tiếng dân tộcThái.

Ngoài ra, ngành GD&ĐT triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nấu ăn cho các trường học có học sinh bán trú. Hiện nay, toàn tỉnh có 225 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho 3.567 nhóm, lớp ăn bán trú, với 85.931 học sinh ăn bán trú. Trong đó 47.879 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ ăn bán trú theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ; 100% trẻ DTTS được ăn bán trú và học 2 buổi/ngày; 100% trẻ DTTS được chăm sóc đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Từ khi triển khai chính sách nấu ăn cho học sinh bán trú, chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được nâng lên, giảm tình trạng học sinh bỏ học.

Hằng năm, 100% trẻ 5 tuổi DTTS hoàn thành chương trình giáo dục mầm non bàn giao chất lượng cho tiểu học; trên 99,9% số học sinh tiểu học được đánh giá hoàn thành về học tập, năng lực và phẩm chất; gần 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học. Năm 2024, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tại các trường phổ thông DTNT đạt gần 100%; trong đó, 55% số học sinh đỗ đại học, cao đẳng, gần 30% vào trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc được triển khai đúng quy định. Hằng năm, Thanh tra Sở GD&ĐT đã tham mưu ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Thanh tra tỉnh. Năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT đã kiểm tra 20 lượt về thực hiện công tác tổ chức bếp ăn tập thể; quản lý học sinh tại các trường mầm non; thực hiện các chính sách giáo dục dân tộc; việc quản lý, sử dụng thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong các nhà trường tại huyện Phù Yên, Sốp Cộp, Mường La, Sông Mã. Qua kiểm tra, không có sai phạm về kinh tế liên quan đến chế độ, chính sách.

Quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ dân trí, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền. Đến nay, toàn tỉnh có 170/188 xã đạt tiêu chí về giáo dục trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/quan-tam-phat-trien-giao-duc-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-LP1OB3jIR.html