Quan tâm phát triển nông nghiệp huyện Long Phú

Năm 2024, ngành Nông nghiệp huyện Long Phú (Sóc Trăng) triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn. Đây cũng là năm phải tăng tốc để góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiều nội dung lớn với mục tiêu cao cần đạt trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tập trung tái cơ cấu nông nghiệp… Nhờ xác định rõ nhiệm vụ và chủ động triển khai ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp huyện Long Phú đã đạt và vượt nhiều mục tiêu lớn đặt ra cho cả năm.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Long Phú tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, huyện quan tâm công tác hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo đó, lĩnh vực trồng trọt, toàn huyện ước gieo trồng 37.941,33ha, đạt 119,31% kế hoạch, tăng 1.966,01ha so cùng kỳ, ước diện tích thu hoạch 37.888,13ha, năng suất bình quân ước đạt 5,69 tấn/ha. Ước tổng sản lượng 215.465 tấn, đạt 116,82% kế hoạch. Tính theo năm lương thực, toàn huyện xuống giống được 38.056,91ha, đạt 119,68% kế hoạch, diện tích thu hoạch 38.003,71ha, ước năng suất 5,96 tấn/ha, sản lượng 226.653 tấn, đạt 122,89% kế hoạch. Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày toàn huyện xuống giống được 3.071ha, đạt 122,84% kế hoạch, tăng 4ha so cùng kỳ. Trong đó, màu lương thực 388ha, màu thực phẩm 1.418ha, cây công nghiệp ngắn ngày 1.265ha (mía 102,65ha) với một số loại rau màu như: bắp, dưa leo, bầu, bí, rau các loại... Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện và công tác kiểm tra, đôn đốc thường xuyên trong phòng, chống dịch của ngành chuyên môn, tăng cường tuyên truyền nhân dân chăm sóc tốt đàn vật nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vắc xin phòng bệnh... các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm được kiểm soát. Ước cả năm tổng đàn gia súc 31.854 con, đạt 109,78% kế hoạch.

Cán bộ ngành Nông nghiệp kiểm tra độ mặn trên đồng lúa xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: KIM NGỌC

Cán bộ ngành Nông nghiệp kiểm tra độ mặn trên đồng lúa xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: KIM NGỌC

Để đảm bảo nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, trong năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện và UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, khảo sát hệ thống thủy lợi trên địa bàn, đề xuất UBND huyện đầu tư nâng cấp, nạo vét các công trình. Kết quả, thực hiện thủy lợi nội đồng năm 2024 trên địa bàn huyện đến nay gồm 7 danh mục công trình, với tổng chiều dài 36.853m; khối lượng đào đắp là 168.245m3, với số tiền là trên 4,5 tỷ đồng.

Hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ và liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai thực hiện hiệu quả. Theo đó, năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Long Phú mở 7 lớp với 210 người tham dự với nội dung quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp; giới thiệu tổng quan về giải pháp công nghệ và quy trình MRV; hướng dẫn hợp tác xã trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp; kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm, kỹ thuật nuôi dê.

Hiện nay, huyện đang thực hiện đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023, huyện Long Phú đăng ký tham gia với diện tích 8.150ha. Năm 2024, huyện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện mô hình điểm với diện tích 50ha/46 hộ thực hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, mô hình được thực hiện trong 2 vụ Hè - Thu và Đông - Xuân, đồng thời là điểm để khởi động của đề án trong vụ Hè - Thu 2024.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện có 27 hợp tác xã nông nghiệp, với 1.480 thành viên, tổng diện tích 2.669,83ha, vốn điều lệ trên 7,4 tỷ đồng. Tại huyện đã thành lập mới 6 tổ hợp tác, lũy kế có 58 tổ hợp tác với 1.100 thành viên, diện tích đất canh tác 1.682,94ha.

Ông Thạch Phước Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc “Hợp tác xã Nông nghiệp phát triển kiểu mới”, ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, chia sẻ:

Đầu năm 2023, hợp tác xã được thành lập, có 58 thành viên, tổng diện tích canh tác là 126,2ha đất lúa. Từ khi đi vào hoạt động, hợp tác xã phát huy hiệu quả trong việc liên kết sản xuất, tạo mối quan hệ trong kinh doanh, dịch vụ giữa các hộ sản xuất. Đồng thời, tích cực giúp đỡ các thành viên trong hợp tác xã tiêu thụ hạt lúa làm ra, hạn chế bị ép giá, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã, góp phần giảm nghèo, làm cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, uy tín của sản phẩm làm ra…

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Long Phú luôn quan tâm thực hiện tốt công tác này. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”, vì vậy, người dân đã tích cực chung tay, không ngần ngại hiến đất, đóng góp công sức, vật chất cùng nhau xây dựng quê hương. Công cuộc xây dựng NTM tác động tích cực đến đời sống người dân nông thôn. Tính đến nay, huyện Long Phú có 7/9 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM theo kế hoạch trong năm 2024 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tuyến đường hoa kiểu mẫu ấp Tân Qui A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: KIM NGỌC

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Long Phú triển khai thực hiện quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; đồng thời, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững. Đầu năm 2024 đến nay tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP được 15 sản phẩm, trong đó, 8 sản phẩm mới; 7 sản phẩm đánh giá lại; 21 sản phẩm đạt 3 sao.

Trong năm 2025, ngành Nông nghiệp Long Phú tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; cơ cấu lại mùa vụ, chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm; sử dụng các loại giống chất lượng cao; phát triển mạnh diện tích lúa đặc sản, lúa thơm. Đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến cáo thời vụ, quy trình kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, tổ chức tham quan học tập các mô hình có hiệu quả để xây dựng mô hình điểm tại địa phương. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Lồng ghép các nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng theo bộ tiêu chí quốc gia và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-long-phu/202411/quan-tam-phat-trien-nong-nghiep-huyen-long-phu-2d23674/