Quan tâm thực hiện công tác cán bộ nữ

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào lĩnh vực hoạch định chính sách và ra quyết định. Nhiều phụ nữ đã và đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng và có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương, đất nước.

Đồng chí Hà Thị Nga - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Yên Bái trao đổi về công tác phụ nữ với phụ nữ huyện Văn Yên.

Đồng chí Hà Thị Nga - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Yên Bái trao đổi về công tác phụ nữ với phụ nữ huyện Văn Yên.

>> Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái làm việc với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái luôn dành sự quan tâm sâu sắc, ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chính sách quan trọng về công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng.

Trong đó, Tỉnh ủy đã đặc biệt chú trọng, quan tâm thực hiện đúng quy định về tỷ lệ nữ trong cấp ủy, chính quyền các cấp; luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi nhất và nhiều cơ hội cho các cán bộ nữ được thể hiện và phát huy khả năng của mình.

Đặc biệt, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Đề án 11-ĐA/TU, ngày 18/8/2018 về "Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2025”, thể hiện bước đi bài bản, chiến lược của tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng.

Phát huy vai trò, chức năng của mình, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã tích cực thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ nữ.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Các cấp Hội thường xuyên rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy các cấp có các giải pháp tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Quốc hội và HĐND các cấp trong các nhiệm kỳ; đề bạt và giới thiệu cán bộ nữ có đủ năng lực tiêu chuẩn để cấp ủy cất nhắc, quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Hàng năm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ Hội các cấp; tham mưu cho cán bộ nữ, cán bộ Hội tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ…”.

Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nữ cán bộ, công chức, viên chức chiếm trên 62% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp chiếm 22,5%, cao hơn nhiệm kỳ trước và thuộc nhóm cao trong khu vực; tỷ lệ nữ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 19,6%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV là 50%; trên 1.370 nữ đại biểu HĐND ở cả 3 cấp, chiếm trên 34%; 62 nữ cán bộ tham gia UBND các cấp, chiếm trên 7%, đều tăng cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Hiện nay, trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tập thể lãnh đạo HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đều có cán bộ nữ.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (đứng giữa) trao đổi với các nữ cán bộ tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ nữ.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (đứng giữa) trao đổi với các nữ cán bộ tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ nữ.

Thực hiện Đề án số 11 của Tỉnh ủy về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" đã tuyển chọn được 117 cán bộ nữ/191 cán bộ tham gia Đề án, chiếm trên 61%.

Kết quả rà soát, bổ sung và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ tới, số lượng chị em được quy hoạch các chức danh đều tăng so với nhiệm kỳ trước, trong đó: tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 22% trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; chiếm 25% trong quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chiếm 31% trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo sở, ngành; chiếm 25,4% quy hoạch trong các chức danh lãnh đạo chủ chốt các địa phương.

Tại Thủ đô Hà Nội, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ đã được Đảng bộ thành phố luôn quan tâm thực hiện. Theo đó, tập trung thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 30/12/2011 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ của Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 20/9/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, trong đó quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ của thành phố. Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”, trong đó xác định quan điểm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Đội ngũ cán bộ nữ của Thủ đô đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp có chuyển biến khá tích cực. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình cũng rất quan tâm công tác cán bộ nữ, tạo mọi điều kiện để phụ nữ được bình đẳng, phát triển và tiến bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 17-NQ/TU, ngày 12/01/2015 về công tác cán bộ nữ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo; Đề án số 10-ĐA/TU, Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 12/6/2022 xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác cán bộ nữ nhằm thực hiện và đạt được các mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ nữ trong từng giai đoạn cụ thể.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hòa Bình, nhờ công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ được quan tâm cùng sự nỗ lực vươn lên của chính đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của tỉnh Hòa Bình thời gian qua đã tăng lên rất nhiều về số lượng và nâng lên về chất lượng; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp ngày càng nhiều, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong lĩnh vực chính trị.

Thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ nữ, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực tham mưu đề xuất chính sách, sửa đổi luật liên quan tới công tác phụ nữ; thực hiện các hoạt động tham vấn nhằm tăng tỷ lệ cán bộ nữ; chủ động nắm tình hình cán bộ nữ và giới thiệu nguồn nhân sự nữ cho đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND; tích cực thực hiện các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ nữ ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội, nhiệm kỳ bầu cử; thực hiện các hoạt động tăng cường kết nối, phát huy vai trò cán bộ nữ…

Theo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào lĩnh vực hoạch định chính sách và ra quyết định. Nhiều phụ nữ đã và đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng và có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương, đất nước.

Ở khu vực miền Bắc, nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, cán bộ nữ được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu; ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ nữ khá cao.

Tuy nhiên, ở khu vực miền Bắc, còn gần 1/3 số tỉnh chưa đạt chỉ tiêu nữ cấp ủy viên cấp tỉnh; một số tỉnh còn đến gần 80% số xã không có nữ trong ban thường vụ; còn gần 50% số tỉnh chưa đạt chỉ tiêu về nữ đại biểu Quốc hội và vẫn còn địa phương không có đại biểu nữ trong Quốc hội; gần 50% số tỉnh chưa đạt chỉ tiêu về nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và hơn một nửa số tỉnh chưa đạt chỉ tiêu về nữ đại biểu HĐND cấp xã; nữ lãnh đạo khối chính quyền trong khu vực nhìn chung còn thấp, chủ yếu ở vị trí cấp phó…

Trong phạm vi cả nước, chỉ số về bình đẳng giới và chỉ số về trao quyền chính trị cho phụ nữ của Việt Nam còn thấp, tăng chậm so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới và không ổn định qua các năm… Đó là những hạn chế cần được phân tích, tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác cán bộ nữ từ sau khi có Chỉ thị số 21/CT-TW để sớm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, đặc biệt là các chỉ tiêu của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ nhằm đạt được bình đẳng giới, phát triển bền vững.

Đội ngũ cán bộ nữ khu vực miền Bắc

■ Tỷ lệ nư cấp ủy cấp tỉnh trung bình của khu vực là 17%; cấp huyện trung bình là 21,2%; cấp cơ sở là 24,1%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy cấp tỉnh của khu vực miền Bắc nổi trội hơn so với 2 khu vực còn lại.

■ Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND 3 cấp của khu vực đều cao hơn so với tỷ lệ trung bình của toàn quốc và đạt mục tiêu đề ra: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 2,99%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 31,12%, cấp huyện đạt 30,71%, cấp xã đạt 30,58%.

■ Tỷ lệ Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là 28%, cấp huyện là 8,71%, cấp xã là 10,29%; 14/25 tỉnh có phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh là nữ, tỷ lệ phó chủ tịch HĐND là nữ ở cấp huyện là 24,82%, cấp xã là 20,9%.

■ Toàn khu vực có 1 nữ chủ tịch UBND tỉnh (cả nước có 2 nữ chủ tịch UBND tỉnh); tỷ lệ nữ chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã của khu vực miền Bắc đều chưa đến 6%; 10/25 tỉnh có phó chủ tịch UBND cấp tỉnh là nữ, tỷ lệ phó chủ tịch UBND là nữ ở cấp huyện là 12,74% và cấp xã là 12,22%.

Thu Hạnh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/297643/quan-tam-thuc-hien-tot-cong-tac-can-bo-nu.aspx