Quan tâm xây dựng nhà ở cho người dân

ĐTO - Cả hệ thống chính trị huyện Thanh Bình tập trung chăm lo đời sống người dân với phương châm “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tạo động lực, tiền đề hỗ trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn có ngôi nhà kiên cố, an toàn để “an cư, lạc nghiệp”. Huyện cũng đã tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Các thành viên Tổ sản xuất khung sườn nhà bê-tông thiết kế khung sườn nhà để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn

Các thành viên Tổ sản xuất khung sườn nhà bê-tông thiết kế khung sườn nhà để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn

Quyết tâm xóa nhà tạm

Thực hiện Kế hoạch số 336 ngày 8/8/2024 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Cuộc vận động thực hiện chương trình “Xóa nhà tạm” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2029 và định hướng đến năm 2030, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện Thanh Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình “Xóa nhà tạm” trên địa bàn huyện.

Huyện Thanh Bình phát huy sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực xã hội, của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu “Xóa nhà tạm” trên địa bàn huyện. Đồng thời phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sinh kế, việc làm ổn định cho người nghèo đủ điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững; phấn đấu xóa 100% nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện trên địa bàn huyện.

Đồng chí Phạm Văn Đeo - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân khóm An Thịnh, thị trấn Thanh Bình, chia sẻ: “Để xóa nhà tạm trên địa bàn khóm, trước mắt, Ban Nhân dân khóm khảo sát trong khóm còn bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu cất nhà. Sau đó, vận động mạnh thường quân hỗ trợ mỗi hộ dân khoảng 50 triệu đồng và gia đình đối ứng thêm. Đến nay, trên địa bàn khóm đã thực hiện được khoảng 17 căn nhà và chỉ còn vài căn nhà nữa là sẽ không còn nhà tạm của hộ nghèo, cận nghèo.

Từ khi có nhà mới, đời sống của bà con không còn phải lo lắng về nhà ở, an tâm làm ăn, con cháu học hành tốt hơn. Theo tôi để xóa nhà tạm hiệu quả, cần đẩy mạnh tuyên truyền và nhờ mạnh thường quân hỗ trợ cùng với hộ dân đối ứng kinh phí”.

Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện Thanh Bình phối hợp với các ngành và cấp ủy địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để UBMTTQ Việt Nam các xã, thị trấn, các tổ chức thành viên phát huy sức mạnh, tiềm năng của địa phương, trong đó chú trọng việc xây dựng và hỗ trợ phát triển các mô hình phát huy các Tổ cất nhà từ thiện để xóa nhà tạm. Theo UBMTTQ Việt Nam huyện Thanh Bình, có 225 hộ cần xây dựng mới nhà ở. Giai đoạn 1, đến cuối năm 2025, phấn đấu thực hiện hoàn thành xóa 166 nhà tạm; trong đó, đến cuối năm 2024, phấn đấu xóa trắng nhà tạm đủ điều kiện tại 6 xã: Tân Quới, An Phong, Bình Tấn, Tân Hòa, Tân Long, Phú Lợi. Giai đoạn 2, đến năm 2030, phấn đấu thực hiện hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại. Ngoài ra, đối với các trường hợp gặp khó khăn về nhà ở đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, hộ nghèo và hộ cận nghèo phát sinh... nhưng đảm bảo đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định sẽ được xem xét, hỗ trợ.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Bình và đơn vị tài trợ bàn giao nhà tình thương và tặng quà cho hộ dân ở xã Bình Tấn

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Bình và đơn vị tài trợ bàn giao nhà tình thương và tặng quà cho hộ dân ở xã Bình Tấn

Ông Nguyễn Văn Sĩ ngụ khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nghèo, nhà cất bằng cây tre. Chính quyền địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng và gia đình đối ứng thêm đã xây dựng được căn nhà kiên cố, gia đình tôi rất mừng. Lúc sống trong căn nhà tạm bợ, mỗi khi mưa giông là lo sập nhà. Giờ có được căn nhà mới, gia đình tôi an tâm mua bán để có cuộc sống ổn định”. Tương tự là trường hợp của bà Trần Thị Huệ ngụ khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình. Bà Huệ chia sẻ: “Trước đây, căn nhà của tôi bằng cây tạm, nhà hư không có tiền sửa chữa, sau đó, tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ và gia đình đối ứng để cất mới căn nhà trị giá khoảng 160 triệu đồng. Có nhà mới, gia đình tôi yên tâm sinh sống”.

Ông Trương Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Thanh Bình, cho biết: “Tính đến thời điểm này, từ các nguồn vốn Quỹ vì người nghèo của tỉnh và các đơn vị, mạnh thường quân, UBMTTQ Việt Nam huyện Thanh Bình đã tiếp nhận được 128 căn nhà. Hiện nay, huyện đã triển khai thực hiện xong 67 căn nhà, còn lại 61 căn sẽ cất trong cuối năm 2024. Ngoài ra, các nguồn lực từ Quỹ vì người nghèo, UBMTTQ Việt Nam huyện vận động các tổ chức tôn giáo, mạnh thường quân cất nhà cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, trên địa bàn huyện cất được 179 căn nhà tình thương với tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng. Về thực hiện tiêu chí nhà ở, UBMTTQ Việt Nam huyện quán triệt các xã, thị trấn xét đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới: nền cứng, khung cứng, mái cứng; đặc biệt nhà đại đoàn kết phải đảm bảo có nhà vệ sinh để góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Đại diện chính quyền địa phương xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình và đơn vị tài trợ trao tặng nhà đại đoàn kết cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Đại diện chính quyền địa phương xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình và đơn vị tài trợ trao tặng nhà đại đoàn kết cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Phát huy vai trò các tổ từ thiện

Hiện nay, huyện Thanh Bình có 12 Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương và 1 Tổ sản xuất khung sườn nhà bê-tông cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với hơn 130 thành viên thiện nguyện tham gia. Trong đó, kể từ khi thành lập (từ năm 2017 đến nay), Tổ sản xuất khung sườn nhà bê-tông xã An Phong đã cấp trên 100 bộ khung, sườn nhà bê tông và cất hơn 50 căn nhà tình thương với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu nhờ vào sự ủng hộ của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.

Tổ sản xuất khung sườn nhà bê-tông có 18 thành viên tham gia thực hiện, dù hoàn cảnh mỗi người khác nhau nhưng tất cả thành viên tham gia làm việc với tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng xã hội để cùng nhau tạo ra các bộ khung sườn nhà chắc chắn, giúp cho các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trần Văn Chát - Tổ trưởng Tổ sản xuất khung sườn nhà bê-tông xã An Phong, cho biết: “Chúng tôi làm việc thiện giúp đỡ và cảm thấy rất vui vì mừng cho người nghèo có được căn nhà chắc chắn để ở. Tổ còn góp phần cùng chính quyền địa phương xóa nhà tạm bợ, xiêu vẹo, dột nát để người dân ổn định cuộc sống”.

Không chỉ hỗ trợ khung sườn nhà bê-tông, Tổ còn linh hoạt cấp các khung sườn nhà gỗ, cũng như hỗ trợ cất nhà cho gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Nếu gia đình không có điều kiện kinh tế, Tổ sẽ vận động các mạnh thường quân hỗ trợ để hoàn thiện căn nhà. Bà Nguyễn Thị Sang ngụ xã An Phong bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi có được căn nhà mới khang trang, thay thế căn nhà cũ kỹ, bị hư hỏng. Bà Sang bộc bạch: “Gia đình tôi nghèo không có tiền cất nhà mới, cũng nhờ Tổ sản xuất khung sườn nhà bê-tông hỗ trợ nên cất được căn nhà kín đáo, không còn sống trong cảnh bị dột mưa”.

Ông Trương Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Thanh Bình, cho biết thêm: “Số hộ nghèo của huyện là 565 hộ, cận nghèo là 712 hộ. Qua khảo sát nhu cầu cất nhà đủ điều kiện là 225 hộ. Về giải pháp thực hiện, UBMTTQ Việt Nam huyện sẽ phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các xã, thị trấn trong việc xem xét cất nhà cho người dân đủ điều kiện. Về nguồn vốn cất nhà, chúng tôi vận động các đơn vị, mạnh thường quân đóng góp Quỹ vì người nghèo của huyện, hộ nào có đủ điều kiện khả năng cất thì ưu tiên thực hiện trước trong năm 2024, hộ chưa có khả năng cất mới sẽ chuyển sang thực hiện trong năm 2025”.

D.Út - R.Đa - K.Trang

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/quan-tam-xay-dung-nha-o-cho-nguoi-dan-126172.aspx