Quận Tây Hồ (Hà Nội): Người dân kêu cứu vì bị chính quyền phá dỡ nhà ở
Bà Lê Thị Nga cùng với gần 10 hộ gia đình khác vừa có đơn khiếu nại phản ánh về việc, các hộ gia đình này đã bị lực lượng chức năng phường Yên Phụ thực hiện giải tỏa, san gạt nhà ở tạm, cây trồng sai quy trình, gây tổn hại đến tài sản của người dân.
Chỉ ra Thông báo rồi tháo dỡ công trình vi phạm
Theo đơn khiếu nại của bà Lê Thị Nga, năm 2019, gia đình bà Nga có nhận chuyển nhượng lại mảnh vườn có diện tích 240m2 với giá 250 triệu đồng ở cuối ngõ 76 An Dương (khu vực bãi bồi sông Hồng). Sau khi mua lại mảnh vườn, gia đình bà Nga đã dựng tạm một căn nhà tôn cấp 4 (tường tôn, mái tôn, cột sắt, nền bê tông) có diện tích 70m2 để sinh sống, trồng cây cối, hoa màu.
Điều đáng nói, sau khi chuyển nhượng mảnh vườn, gia đình bà Nga gồm 8 người đã chuyển về địa chỉ mảnh đất trên để sinh sống và đã đăng ký tạm trú, tạm vắng với Công an phường Yên Phụ.
Chính quyền phường Yên Phụ cho máy xúc vào san gạt, phá dỡ nhà ở tạm, hoa màu, cây ăn quả của người dân cuối ngõ 76 An Dương chỉ với một tờ thông báo duy nhất.
Cũng theo gia đình bà Nga trình bày, kể từ khi mua lại mảnh vườn, gia đình bà Nga không nhận được bất kỳ sự nhắc nhở nào từ chính quyền phường Yên Phụ, cũng như chưa một lần bị chính quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về việc xây dựng nhà ở trái phép, lấn chiếm đất công, bãi bồi… Thế nhưng, bất ngờ đến ngày 11/11/2021, gia đình bà Nga nhận được Thông báo số 160/TB-UBND phường Yên Phụ về việc yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, di chuyển toàn bộ tài sản, vật kiến trúc và tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm xong trước ngày 21/11/2021...
Mặc dù chưa hề lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng, cũng như chưa có biên bản xử lý vi phạm về xây dựng; tuy nhiên, ngay sau khi ra Thông báo yêu cầu Chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm là bà Lê Thị Nga phải tháo dỡ công trình trong ngày 11/11/2021, thì đến ngày 30/11/2021, trong lúc gia đình bà Lê Thị Nga đi vắng, UBND phường Yên Phụ đã cho máy xúc vào phá toàn bộ ngôi nhà, cây cối, hoa màu trên mảnh đất mà gia đình bà Nga đang sinh sống.
Sau khi UBND phường Yên Phụ phá dỡ nhà tôn, cây cối, hoa màu của gia đình bà Nga, hàng xóm đã phát hiện và thông báo cho gia đình bà Nga biết. Khi về đến nhà, bà Nga cùng những người con của mình bàng hoàng khi thấy căn nhà tạm che nắng, mưa của gia đình đã bị máy xúc san phẳng.
Bức xúc, gia đình bà Nga đã yêu cầu lực lượng chức năng xuất trình các biên bản, quyết định cưỡng chế, tháo dỡ nhà nhưng không được đáp ứng… Điều bất ngờ, sau đó 2 ngày, UBND phường Yên Phụ đã có quyết định dựng lại nhà ở tạm với diện tích nhỏ hơn cho gia đình bà Nga với lý do: Đây là nguyện vọng của gia đình bà Lê Thị Nga?
Cũng bày tỏ sự bất bình trước cách hành xử của chính quyền phường Yên Phụ, ông Vũ Đức Hồng - đại diện cho các hộ dân tại khu vực bị giải tỏa cuối ngõ 76 An Dương cho biết, năm 2008, ông Hồng đã mua lại mảnh vườn với diện tích 400m2 tại khu vực cuối ngõ 76 An Dương từ gia đình bà Hạnh, ông Hùng. Diện tích này được vợ chồng ông Hùng khai hoang từ năm 1990.
Sau khi mua lại mảnh vườn, ông Hồng đã dựng một nhà bằng gỗ tre và trồng cây, chăn nuôi ở đó. Tuy nhiên, cũng giống như gia đình bà Nga và nhiều gia đình khác, ngày 30/11/2021, mảnh vườn của gia đình ông Hồng đã bị UBND phường Yên Phụ tổ chức cưỡng chế, san gạt nhà, hoa màu dù không nhận được thông báo nào, cũng như khoản bồi thường nào.
Bức xúc trước cách hành xử của chính quyền phường Yên Phụ, hơn 10 hộ dân có đất tại khu vực bãi bồi sông Hồng (tổng diện tích 7.097m2) đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến UBND TP. Hà Nội và quận Tây Hồ về việc, chính quyền phường Yên Phụ thực hiện cưỡng chế không đúng theo các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến đời sống, tài sản của các hộ dân.
Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân
Để làm rõ nội dung phản ánh của người dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện UBND phường Yên Phụ. Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, đối với gia đình bà Nga, Phường đã có Thông báo gửi tận tay, nhưng gia đình cố tình không di chuyển. Do đó, thực hiện kế hoạch của phường và của quận thì phải giải tỏa. Ông Trung cũng cho rằng, do công trình vi phạm chỉ là lều tôn nên chính quyền ra Thông báo giải tỏa chứ không phải cưỡng chế?.
Khi phóng viên đề nghị phường cung cấp tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc xử lý vi phạm, quyết định xử phạt hành chính… trước khi thực hiện phá dỡ, giải tỏa, san gạt tài sản, hoa màu của người dân thì được ông Trung cho biết, Phường đã lập biên bản và ra Thông báo… “Tuy nhiên, để cung cấp văn bản thì Phường không đủ thẩm quyền” - ông Trung nói.
Lý giải về nội dung phản ánh của người dân, đại diện UBND phường Yên Phụ Phạm Thành Trung cho rằng, khu vực đó là dòng sông cạn, các biên lai người dân cung cấp không thể hiện được địa chỉ cụ thể ở đâu… thậm chí ông Trung còn cho biết, sẽ “đề nghị” công an kinh tế vào xác minh việc lấn chiếm, mua bán đất đai tại đây?. Trong khi đó, đề cập đến vấn đề thuế đất, theo một vị đại diện địa chính phường Yên Phụ, từ năm 2009 đến nay thì không ai đóng thuế, tuy nhiên trước đó người ta có đóng hay không thì không nắm được?.
Từ những nội dung kêu cứu của người dân có đất bãi ở cuối ngõ 76 An Dương bị thu hồi, giải tỏa, san gạt nhà tạm, cây cối, hoa màu… cũng như quy trình thực hiện giải tỏa, san gạt tài sản của người dân từ chính quyền phường Yên Phụ, thiết nghĩ, UBND quận Tây Hồ và UBND TP. Hà Nội cần vào cuộc điều tra làm rõ nội dung khiếu nại của người dân, qua đó, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.