Quán Thế Âm của người dân tộc Thái ở Quỳnh Nhai

Từ hồ thủy điện Sơn La, nhìn lên dãy núi Kẻ Tạng, thấy hiện lên pho tượng Quán Thế Âm trên cao. Tượng mới được dựng hơn 5 năm, tọa lạc ngay phía sau khuôn viên của đền thờ Nàng Han, giữa dãy núi dày đặc huyền tích, nên người dân tộc Thái nơi đây thường gọi là Quán Thế Âm Nàng Han.

Nhóm nhà báo chúng tôi vừa cùng hơn 50 doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch tham gia chương trình “Khảo sát, giới thiệu điểm đến, kết nối tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La”, do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La phối hợp với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức. Hành trình qua huyện Thuận Châu và huyện Quỳnh Nhai, đây là hai huyện xa xôi nhất của tỉnh Sơn La. Trong khi, Thuận Châu có đèo Pha Đin hiểm trở nối Sơn La với Điện Biên, thì Quỳnh Nhai có sông Đà nối Sơn La với Lai Châu.

Đèo Pha Đin nhiều chứng tích lịch sử

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn, chúng tôi thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở huyện Thuận Châu. Ngày 7-5-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại đây. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành vào tháng 1-2018.

Rời thị trấn Thuận Châu, đoàn chúng tôi ngược lên đèo Pha Đin được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc, đi qua địa bàn hai huyện Thuận Châu (Sơn La) và Tuần Giáo (Điện Biên), dài 26km với khoảng 60 khúc cua. Cách đây hơn 70 năm, con đèo này nằm trong tuyến huyết mạch tiếp vận vũ khí đạn dược và quân nhu cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chúng tôi dừng chân trên đỉnh đèo Pha Đin, điểm cao nhất 1.648m so với mực nước biển, thắp hương tại đền liệt sĩ trên đỉnh đèo, khánh thành vào ngày 26-4-2024, chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh Bùi Ngọc Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Pha Đin chia sẻ: “Pha Đin không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có yếu tố địa lý độc đáo, nên chúng tôi quyết định đầu tư phát triển du lịch quy mô 9,6ha, gồm rừng sinh thái, vườn hoa, dịch vụ ăn và nghỉ, tạo điểm nhấn đối với du khách”.

Ngoạn du trên sông nước Quỳnh Nhai

Sang huyện Quỳnh Nhai, chúng tôi lên thuyền tham quan lòng hồ thủy điện Sơn La. Ngay cạnh bến thuyền là cầu Pá Uôn như dải lụa dài bắc qua sông nước mênh mang. In bóng trên mặt hồ rộng hơn 10.500ha là những dãy núi đá hùng vĩ, những hòn đảo lớn, nhỏ, cùng từng chiếc thuyền lẩn khuất sau làn sương mờ.

Vẻ đẹp của lòng hồ thủy điện Sơn La hôm nay cũng gắn liền với những câu chuyện xúc động của người dân Quỳnh Nhai. Trên thuyền, cô gái trẻ Lù Thị Nhàn, hướng dẫn viên người dân tộc Thái tại đây cho biết: “Hơn 8.400 hộ gia đình đã phải rời bỏ quê hương để nhường chỗ cho công trình thủy điện Sơn La. Khi đập thủy điện được xây dựng và tích nước, rất nhiều làng bản lâu đời cùng với nhiều đồi núi đã chìm sâu vào trong nước”.

Đến Quỳnh Nhai, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của 7 dân tộc sinh sống tại đây. Đồng bào dân tộc Thái trắng ở Quỳnh Nhai còn được biết đến với lễ hội gội đầu được tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp hàng năm để tưởng nhớ Nàng Han, vị nữ tướng đã có công bảo vệ bản làng và xua đi những điều không tốt đẹp của năm cũ để cầu cho năm mới nhiều may mắn. Đặc biệt lễ hội đua thuyền truyền thống Quỳnh Nhai được tổ chức sau mỗi dịp Tết Nguyên đán thu hút hàng ngàn du khách thập phương về tụ hội, là điểm nhấn nổi bật cho du lịch của miền đất giàu truyền thống văn hóa.

Nữ thần của người dân tộc Thái ở Tây Bắc

Từ mặt biển hồ thủy điện Sơn La, nhìn lên sẽ thấy dãy núi Kẻ Tạng thấp thoáng trên cao. Lò Thị Nhàn, cô gái dân tộc Thái chỉ tay lên phía đó, cho biết: “Trên núi Kẻ Tạng cao 2.020m, cũng chính là đền thờ Nàng Han, nữ thần của dân tộc Thái nơi vùng núi cao Tây Bắc. Ngay dưới chân thuyền mình đang chạy đây, trước kia là những bãi sông dày đặc huyền tích về Nàng Han.

Truyền thuyết kể rằng, khi giặc phương Bắc đến tàn phá Mường So (Phong Thổ, Lai Châu), có một chàng trai khôi ngô từ phương Nam đến, tập hợp thanh niên địa phương để chiến đấu. Sau chiến thắng, đúng ngày 30 Tết chàng tổ chức bữa tiệc và tắm gội bên suối Pá So Na. Lạ thay, khi tắm xong, chàng trai không quay lại mà chỉ để lại một bộ quần áo nữ. Người dân bản cho rằng nữ thần đã nhập vào thân xác chàng trai để giúp đỡ dân làng đánh giặc. Vị thần đó được người Thái gọi là Nàng Han.

Cách đây hơn 17 năm trước, người Thái ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) tổ chức tiệc xòe để chia tay vùng đất cũ nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Vùng đất Quỳnh Nhai đã ngập dưới chín tỷ mét khối nước của hồ thủy điện Sơn La nhưng giữa lòng hồ mênh mông đó, vẫn còn một điểm cao nhất chưa bị ngập là cột mốc tưởng niệm vùng đất Quỳnh Nhai cũ. Nơi đây, tỉnh Sơn La đã xây một đài tưởng niệm để vinh danh hàng nghìn người Thái đã nhường đất vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Từ đó, cứ đến chiều 30 Tết, người Thái ở các khu tái định cư mới lại lũ lượt chèo thuyền đến đài tưởng niệm ở giữa lòng hồ này, làm giỗ Nàng Han. Bởi, họ cho rằng, ở dưới lòng hồ kia, nghìn đời nay người Thái được Nàng Han phù hộ, che chở và đã trở thành một vị Then (thần linh) trong đời sống tâm linh của người Thái.

Năm 2012, tỉnh Sơn La đã xây dựng đền thờ Nàng Han tại xã Mường Giàng, vùng đất tái định cư mới của người Thái bên hồ thủy điện Sơn La, và khôi phục lại lễ hội gội đầu ở bản Phiêng Lanh, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Năm 2020, nghi lễ gội đầu (lung-ta) của người Thái trắng Quỳnh Nhai được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tượng Quán Thế Âm Bồ-tát tại Quỳnh Nhai

Rời thuyền lên bờ, chúng tôi đến khu quy hoạch đền Linh Sơn Thủy Từ và đền Nàng Han, nằm trên một bán đảo, ba mặt hướng nhìn về phía sông Đà. Đi qua đền thờ Nàng Han, ngay ở phía sau trên đỉnh núi hiện diện pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm khổng lồ. Tượng Quán Thế Âm Bồ-tát tại đây được khánh thành tháng 11-2020, cao 32m ở thế “tựa sơn hướng thủy”. Tượng được xây dựng ở vị trí cao trên đỉnh đồi, lưng tựa vào dãy núi đá vôi vững chãi, hướng nhìn ra toàn cảnh biển hồ rộng lớn mang ý nghĩa bảo vệ bình yên cho vùng sông nước, tạo nên khung cảnh thật ấn tượng cho vùng lòng hồ Quỳnh Nhai. Do tượng tọa lạc trong khu đền thờ Nàng Han, nên người Thái nơi đây thường gọi là Quán Thế Âm Nàng Han.

Từ chân tượng Quán Thế Âm, nhìn xuống mặt hồ thủy điện Sơn La rộng lớn mênh mông, với rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ. Gần bờ, có một hòn đảo nhỏ, trên đảo hiện lên pho tượng A Di Đà màu trắng tuyệt đẹp như một bức tranh thoát tục.

Những pho tượng Phật tại đây đã làm đa dạng thêm cho văn hóa địa phương, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Được biết tại vị trí xung quanh của tượng Quán Thế Âm, huyện Quỳnh Nhai đã quy hoạch để xây dựng một ngôi chùa lớn, quy mô hơn 20ha, dự kiến với các công trình: chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hạ, bảo tháp và các hạng mục phụ trợ cần thiết, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của địa phương. Đồng thời, công trình này được kỳ vọng sẽ phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, thúc đẩy nhân dân hướng thiện, sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các công trình đang được đầu tư xây dựng tạo điểm nhấn cho Quỳnh Nhai trong tương lai.

Chu Minh Khôi/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/quan-the-am-cua-nguoi-dan-toc-thai-o-quynh-nhai-post74564.html