Quản trị hình ảnh qua lăng kính văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh giúp doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng.
Minh bạch
Trong giai đoạn khủng hoảng, các nguồn lực của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, như doanh số sụt giảm, nhân sự bất ổn và tài chính cạn kiệt. Đây chính là lúc họ cần thể hiện năng lực tổ chức, văn hóa của mình.
Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”. Trong bức tranh với màu xám chiếm chủ đạo, diễn biến của nền kinh tế vẫn cho thấy vẫn có những điểm sáng và cơ hội phía trước. Các doanh nghiệp có lợi thế ngành nghề, chiến lược thích ứng dài hạn và được điều chỉnh phù hợp sẽ có thể nắm bắt tốt hơn các cơ hội phát sinh ngắn hạn và các cơ hội mới trong dài hạn.
Những chương trình đào tạo hoặc chính sách trong ngắn hạn không thể ngăn chặn khủng hoảng, hoặc giảm thiểu thiệt hại của doanh nghiệp nếu khủng hoảng xảy ra. Đào tạo và xây dựng chính sách là cần thiết, nhưng đối với doanh nghiệp, những điều tính phòng ngừa rủi ro và mang lại khả năng ứng phó hiệu quả lại nằm ở văn hóa doanh nghiệp.
Để thu hút đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả cao, mọi việc cần minh bạch với nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước cũng muốn những điều tương tự để chứng tỏ sẽ được các nhà đầu tư tôn trọng, tin tưởng rốt vốn hợp tác.
Gần đây, trong lĩnh vực xây dựng, nổi lên một “gã khổng lồ” tìm mọi cách để lấy lại vị thế vốn có trước đây. Đó là Công ty cổ phần xây dựng Coteccons. Từng bị cho là “hết thời” sau khi người sáng lập rời bỏ và bị chảy máu nhân sự, Coteccons đã lội ngược dòng với sự lèo lái của ban lãnh đạo mới và sự quyết tâm của đội ngũ nhân sự ở lại. Hiện tại, đây là doanh nghiệp xây dựng có tình hình tài chính lành mạnh và có nhiều dự án hấp dẫn nhất, trong đó nổi bật là dự án xây dựng nhà máy cho Lego.
Đáng chú ý, định nghĩa về quản lý của Coteccons là minh bạch, mang lại giá trị cho tất cả cổ đông, bảo vệ khách hàng. Thông điệp này cũng được ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons mở đầu buổi đối thoại với các cổ đông của mình hồi đầu năm nay.
Hơn nữa, Công ty thắt chặt mảng quản trị rủi ro bằng cách có thêm nhiều bước trong quy trình trước khi quyết định tham gia dự án. Trước đây, Coteccons chỉ quan tâm đến mặt kỹ thuật xem có đáp ứng yêu cầu chủ đầu tư hay không, nhưng nay, Công ty xem cả sức khỏe tài chính khách hàng trước khi có ý định tham gia với họ.
Tập trung vào mục đích và giá trị
Theo các chuyên gia quản trị thương hiệu, tư duy không được phát triển thông qua các quy tắc hoặc chính sách. Nó được hình thành và phát triển qua một quy trình quản lý thay đổi từ trong ra ngoài, đòi hỏi sự tham gia của các trung tâm thần kinh, tinh thần và cảm xúc, thay vì chỉ dựa trên việc chia sẻ thông tin.
Cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp đủ mạnh để có thể ứng phó với tình huống xấu nhất, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững.
Tập trung vào mục đích và giá trị của công ty sẽ giúp lãnh đạo đưa ra được những quyết định đúng đắn trong bối cảnh khủng hoảng.
Văn hóa tổ chức được thể hiện ở hành động cụ thể trong hoàn cảnh nhất định. Nó là sự nhất quán giữa lời nói và hành động. Văn hóa được thể hiện bởi mục đích và giá trị của doanh nghiệp. Các giá trị thể hiện văn hóa mạnh mẽ là sự hợp tác, linh hoạt, liêm chính, lấy con người làm trung tâm, đổi mới, trách nhiệm và tham vọng.
Các nhà lãnh đạo thực hiện các bước thích hợp để vượt qua khủng hoảng về mặt tài chính và vận hành. Đồng thời, các hành động phải đảm bảo phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.
Theo đó, đầu tiên, doanh nghiệp dành thời gian để suy nghĩ về mục đích, giá trị của công ty, về lý do doanh nghiệp tồn tại và cách họ tin tưởng vào mục tiêu kinh doanh.
Tiếp theo, chia sẻ về mục đích và giá trị của doanh nghiệp cho nhân viên, cổ đông, giới truyền thông… Truyền thông tích cực tới khách hàng là sự thể hiện văn hóa mạnh mẽ, lấy con người làm trung tâm, mang lại sự tin tưởng cho nhân viên, đồng thời thể hiện sự đồng cảm sâu sắc đối với cả những nhân viên đã nghỉ việc. Giao tiếp cởi mở và đồng cảm giúp khách hàng hiểu và mang lại niềm tin của khách hàng với tổ chức.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên chú trọng đến các hoạt động vì cộng đồng. Những hành động cụ thể có sức lan tỏa tích cực đến với cộng đồng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển văn hóa và thương hiệu mạnh.
Trong thế giới biến động không ngừng hiện nay, mọi thứ đều có thể xảy ra. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nhìn xa hơn, sẵn sàng các phương án hành động. Đặc biệt, cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp đủ mạnh để có thể ứng phó với tình huống xấu nhất, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững.
Không có “công thức” chung nào cho việc quản trị hình ảnh doanh nghiệp. Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, hình ảnh doanh nghiệp, cá nhân lãnh đạo, các nhân viên phải đi lên từ chính sự chân thành, minh bạch và năng lực thực sự của doanh nghiệp đó.
Ông Vinh cho rằng, lãnh đạo là một phần không thể tách rời của hình ảnh doanh nghiệp. Khái niệm mỗi người là một đại sứ thương hiệu ngày càng phổ biến trên thế giới, lãnh đạo lại càng quan trọng. Một phát ngôn không hợp lý có thể gây khủng hoảng.
Khi xảy ra khủng hoảng truyền thông với hình ảnh doanh nghiệp, cần tôn trọng nguyên tắc xử lý khủng hoảng: kịp thời, chính xác và chân thành. Cả nội bộ và bên ngoài đều phải được thông tin đầy đủ, kịp thời.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quan-tri-hinh-anh-qua-lang-kinh-van-hoa-doanh-nghiep-d192272.html