Quản trị theo ESG sẽ dễ dàng tiếp cận dòng vốn tốt
Quản trị tốt, thực thi tốt tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) không những giúp doanh nghiệp có cơ hội tối đa hóa lợi nhuận, phát triển bài bản hơn trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay mà còn giúp tiếp cận được dòng vốn tốt trong nước cũng như nước ngoài, được các định chế tài chính đánh giá tốt...
Tại hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?" do báo Dân trí tổ chức ngày 29-8, các chuyên gia nhận định, trong thời kỳ toàn cầu hóa với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức như hiện nay, việc thực thi ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đem đến lợi thế cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, tiếp cận được dòng vốn tốt từ các nhà đầu tư, định chế tài chính, hướng đến phát triển bền vững. Mặc dù vậy, việc thực hành ESG mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, sản phẩm thường hướng ra xuất khẩu hoặc có các cổ đông nước ngoài.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ những doanh nghiệp triển khai ESG tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội - cho rằng triển khai ESG thường có lộ trình 5 năm, 10 năm và sẽ có những ưu tiên theo từng giai đoạn. Các đơn vị thẩm định ESG đánh giá dựa trên lộ trình thực hiện nên việc triển khai ESG với doanh nghiệp không phải quá khó. Tuy nhiên, việc quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG lại không hề đơn giản. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn loay hoay trong quá trình này, nhất là khi các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phần lớn là vừa và nhỏ.
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết phần lớn doanh nghiệp quan tâm về mặt quản trị vì có 2 lý do. Về vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam dựa trên thâm hụt lao động, môi trường, tài nguyên... Tỷ lệ doanh nghiệp lỗ thường trên dưới 50%. Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam bị lỗ thì lý giải theo cách nào cũng từ vấn đề quản trị. Thực hành ESG toàn cầu cũng gây áp lực đối với doanh nghiệp Việt vì chi phí tăng lên nhiều nhưng doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi. Khi thực hành ESG sẽ khắc phục những yếu điểm về quản trị. ESG là xu hướng của thế giới, chúng ta có thể tối ưu chi phí, tối ưu hóa tài nguyên.
“Khi doanh nghiệp chuyển động theo ESG có thể tiếp cận vốn xanh - không rẻ nhưng là vốn trung và dài hạn dựa trên tính chất để có cơ hội tiếp cận vốn, để khắc phục vấn đề trong cấu trúc vốn trong bối cảnh chỉ dựa vào tín dụng” ông Minh nhấn mạnh. Tuy nhiên, để thực hành ESG hiệu quả cần tích hợp vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên tích hợp ESG để tăng sức mạnh và hiệu quả hoạt động, cần biết rõ mục đích thực hành ESG của mình chứ không nên làm theo phong trào.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT mang đến câu chuyện thực thi ESG từ kinh nghiệm của chính tập đoàn. ESG là những yếu tố tạo nên sức mạnh của tập đoàn. Do đó, định hướng và những ưu tiên về ESG là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của FPT và phản ánh vai trò, trách nhiệm của Tập đoàn với các bên liên quan trọng yếu. Khi thương thảo với các đối tác nước ngoài lớn, các doanh nghiệp Việt Nam luôn được hỏi về ESG. Nếu không quản trị doanh nghiệp theo hướng ESG thì không có cơ hội hợp tác với họ.
“ESG là sức mạnh để doanh nghiệp phát huy giá trị cốt lõi chứ không phải là trang sức”- ông Khoa khẳng định.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quan-tri-theo-esg-se-de-dang-tiep-can-dong-von-tot-post756270.html